Phú Yên với lợi thế tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Về lâu dài, cần xây dựng mô hình bảo vệ và khai thác hợp lý tôm hùm giống có sự tham gia quản lý cộng đồng ở các địa phương ven biển.

Ưu thế về lượng

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, nhiều vùng ven biển Phú Yên, nhất là các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương (TX Sông Cầu), An Hòa, An Hải, An Chấn (huyện Tuy An), Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) có tôm hùm giống; hằng năm có 1,5 – 2 triệu con tôm hùm giống được đánh bắt. Tổng diện tích mặt nước mà tôm hùm giống phân bố khoảng 53 km2.

Thị xã Sông Cầu là một trong những địa phương có nguồn tôm hùm giống lớn nhất. Một chuyên viên kinh tế ở đây cho biết: Việc khai thác tôm hùm giống đã xuất hiện cách đây khoảng 20 năm; ban đầu người ta lặn bắt, đặt bẫy, sau đó khai thác bằng lưới mành tôm. Hiện có nhiều người ở nhiều địa phương tham gia khai thác nên lượng tôm hùm giống trong tự nhiên ngày càng ít, tôm giống không đủ cung cấp cho người nuôi nên phải mua từ tỉnh khác.

 

Yêu cầu phát triển bền vững

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã khảo sát tại vùng biển Xuân Đài (TX Sông Cầu) và An Chấn (huyện Tuy An) để triển khai đề tài Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống, thời gian thực hiện 2 năm (8/2010 – 8/2012), nhằm đánh giá hiện trạng nguồn lợi tôm hùm giống tại hai vùng biển nói trên và một số vùng biển khác trong tỉnh Phú Yên, xây dựng giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý. Về lâu dài, xây dựng mô hình bảo vệ và khai thác hợp lý tôm hùm giống có sự tham gia quản lý cộng đồng.

Tôm hùm giống ngư dân Phú Yên đánh bắt từ tự nhiên

Tại huyện Tuy An, Đề tài đã xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống có sự tham gia quản lý cộng đồng tại khu vực Mũi Lố Nhái thuộc đảo Hòn Chùa, xã An Chấn, diện tích 6 ha. Sau 2 năm triển khai, mặc dù công tác đánh giá phục hồi chưa chính xác nhưng lượng tôm giống ngư dân khai thác được số lượng tăng 1,5 lần. Một số loài san hô và rong biển phát triển tốt hơn, độ phủ san hô mềm tăng 6%, cỏ biển tăng 10%. Ngư dân khai thác tôm hùm giống được hưởng lợi từ Dự án, được khai thác tôm giống ở phía ngoài khu quy hoạch bảo vệ; đồng thời nhận thức của người dân về bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên cũng được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Cách (thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An) cho biết: Nghề khai thác tôm hùm giống xuất hiện ở xã An Chấn cách đây gần 20 năm. Ban đầu người ta lặn bắt, sau đó khai thác bằng mành tôm kết hợp phương tiện tàu thuyền. Trong xã có khoảng 300 hộ khai thác tôm hùm giống bằng mành tôm. Nghề này đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

TS Thái Ngọc Chiến (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III) đề nghị: Không khai thác tôm bố mẹ vào mùa sinh sản; hạn chế khai thác tôm hùm giống quá nhỏ (tôm trắng); tôm khai thác phải dài 3 – 4cm để tăng tỉ lệ sống và chất lượng khi nuôi. Nên phân vùng khai thác tôm giống theo luân phiên, hạn chế khai thác tôm giống ở các vùng tôm phân bố tập trung. Cấm khai thác bằng bẫy vì ảnh hưởng đến nguồn lợi; không khuyến khích nghề lặn phát triển vì nguy hiểm tính mạng và ảnh hưởng đến sức khỏe; hạn chế việc dùng đèn dẫn dụ tôm giống; giảm lượng thuyền khai thác bằng lưới mành. Chính quyền địa phương cần giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác có chọn lọc và có trách nhiệm, giúp người dân nắm vững các quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ chuyển đổi hoạt động từ khai thác tự do như lâu nay sang khai thác có tổ chức, nhằm quản lý chặt chẽ phương thức, ngư cụ khai thác. Cần đầu tư nuôi cấy san hô, tạo những rạn sinh cảnh nhằm thu hút tôm cá đến trú ngụ, sinh sản…

Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH – CN Phú Yên cho biết: Sau 2 năm triển khai Đề tài tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ở khu vực triển khai Đề tài được nâng lên, nguồn lợi tôm hùm giống và san hô, cỏ biển cũng được phục hồi. Tuy nhiên, sau khi đề tài này kết thúc, nếu không bàn giao lại cho địa phương quản lý và triển khai tiếp thì nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên ở tỉnh này sẽ cạn kiệt. Sở KH – CN Phú Yên khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi tôm hùm giống, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cho triển khai tiếp…

>> Do khai thác quá mức và ảnh hưởng của thời tiết nên lượng tôm hùm giống ở Phú Yên ngày càng ít. Nếu người dân tham gia Dự án có quyền lợi thì nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên ở Phú Yên sẽ được bảo tồn, phát triển bền vững.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!