Cuối tháng 8, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã tổng kết triển khai mô hình nuôi thử nghiệm hải sâm ghép ốc hương thương phẩm trong ao; đây được xem là giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh.
Theo đó, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi triển khai 5 mô hình nuôi thử nghiệm hải sâm ghép ốc hương tại 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ, mỗi mô hình có diện tích 2.200 m2, thời gian triển khai 7 tháng, bắt đầu tháng 12/2018 và kết thúc cuối tháng 7/2019.
Kết quả triển khai cho thấy, hải sâm đạt 1.650 con/mô hình, ốc hương đạt 462.000 con/mô hình. Tổng sản lượng hải sâm 1.700 kg, ốc hương là 13.273 kg, cỡ sản phẩm sau thu hoạch là hải sâm 250 g/con, ốc hương 144 con/kg. Chi phí sản xuất là 2,3 tỷ đồng, tổng doanh thu hơn 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi còn 570 triệu đồng/5 hộ dân tham gia mô hình. Về hiệu quả, tỷ lệ sống ốc hương đạt 81,8%, tỷ lệ sống hải sâm đạt 82,4%.
Nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm cho lợi nhuận cao – Ảnh: Nguyễn Trang
Việc nuôi hải sâm ghép ốc hương là giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Ốc hương là loài ăn thức ăn tươi sống, phần thức ăn thừa và chất thải của ốc hương làm ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi; trong khi đó, hải sâm là loài ăn lọc, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của ốc hương, mùn bã hữu cơ trên nền đáy nên việc nuôi ghép hải sâm với ốc hương thương phẩm sẽ giảm độ phì dưỡng nguồn nước nuôi, góp phần làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh…
Đánh giá tốc độ tăng trưởng, trong thời gian 2 tháng đầu thả giống (tháng 1 – 2/2019), thời tiết lạnh nên nhiệt độ trong ao nuôi xuống thấp, hải sâm, ốc hương bắt mồi yếu, sinh trưởng chậm. Trong các tháng nuôi tiếp theo, thời tiết ấm dần, ốc hương bắt mồi mạnh, sinh trưởng nhanh, quy cỡ đồng đều. Thức ăn thừa, chất thải của ốc hương tạo thành mùn bã hữu cơ trên nền đáy làm nguồn thức ăn cho hải sâm nên hải sâm sinh trưởng phát triển tốt. Kết quả kiểm tra định kỳ, các yếu tố môi trường trong ao nuôi ổn định, nền đáy sạch so các ao nuôi đơn ốc hương của hộ dân xung quanh. Theo dõi mở rộng, từ tháng 2 – 4/2019, tại các ao nuôi đơn ốc hương của các hộ dân trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh, chết hàng loạt, nguyên nhân là do ốc hương ăn mạnh, chất thải của ốc hương khiến nguồn nước ô nhiễm; trong khi, đối với ao nuôi mô hình thì nhờ áp dụng nuôi ghép hải sâm đã xử lý ô nhiễm nguồn nước, khống chế được dịch bệnh. Môi trường nuôi được quản lý tốt, ốc hương phát triển nhanh, đồng đều, màu sắc đẹp, thời gian nuôi được rút ngắn so với nuôi đơn, trong quá trình nuôi hầu như không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất nên giúp hộ nuôi giảm chi phí thuốc, hóa chất, tiền điện, công chăm sóc… Đặc biệt, các sản phẩm của mô hình được Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam bao tiêu toàn bộ theo thỏa thuận với các hộ dân.
Từ mô hình trên cho thấy, nuôi ghép hải sâm với ốc hương thương phẩm trong ao là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước, góp phần làm sạch môi trường trong ao nuôi hiện nay. Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 1,9 tỷ đồng để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương trong năm 2020, hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi ốc hương trên địa bàn tỉnh. Dự kiến triển khai 7 mô hình tại 2 huyện Mộ Đức, Đức Phổ.
Nguyễn Trang