Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) là nhằm giúp người nuôi chủ động hơn trong phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, người NTTS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến lĩnh vực này.
Dịch bệnh liên miên
Từng là vùng nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh, với diện tích khoảng 100 ha, nhưng thời gian qua người nuôi tôm ở Mộ Đức phần lớn đều bỏ hoang hồ do nhiều năm thua lỗ, vì tôm bị dịch bệnh. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, vùng nuôi tôm Mộ Đức có diện tích lớn, nhưng chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, nên người nuôi buộc phải xả nước thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến môi trường nuôi bị ỗ nhiễm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt tại Mộ Đức trong những năm qua.
Nuôi tôm với diện tích lớn, nhưng không đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, dẫn đến môi trường nuôi trồng thủy sản tại Đức Minh (Mộ Đức) bị ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường nước không chỉ khiến người nuôi tôm gặt “quả đắng”, mà nhiều người nuôi trồng các loại thủy sản khác như hàu Thái Bình Dương, cá biển… cũng lao đao. Tại vùng NTTS ngay chân cầu Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nếu như năm 2013 – 2015, các hộ nuôi hàu Thái Bình Dương và cá biển như cá mú, cá bớp… luôn bội thu vì được mùa, được giá; thì từ năm 2016 đến nay, người dân liên tục thua lỗ, vì thủy sản chết hàng loạt.
Trong đợt kiểm tra hiện trường, lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực này vào tháng 9/2016, Chi cục Thú y tỉnh đã xác định vùng nuôi này nằm gần các nhà máy chế biển thủy sản và ngay trong khu vực tàu thuyền neo đậu, lưu thông thường xuyên, dẫn đến chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm do chất thải, rác thải và dầu. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ các biện pháp làm sạch môi trường nước, tăng cường ôxy… để không tái diễn tình trạng cá chết bất thường.
Quan trắc môi trường còn hạn chế
Trước thực trạng môi trường NTTS ngày càng ô nhiễm; công tác quan trắc môi trường vùng NTTS đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết, để người nuôi chủ động hơn trong sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, từ kết quả quan trắc môi trường, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động NTTS đến môi trường xung quanh và ngược lại; từ đó có định hướng quy hoạch phát triển nghề NTTS theo hướng bền vững.
Là hoạt động đóng vai trò then chốt trong NTTS, nhưng từ trước đến nay, tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được việc quan trắc môi trường vùng NTTS. Được biết, tháng 9/2014, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn 2555 làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí.
Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) Lê Thị Ngọc Hà cho biết: Do khó khăn về kinh phí và thủ tục, nên đến tháng 9.2019, Chi cục mới bắt đầu phối hợp cùng các địa phương thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ cho NTTS.
Đây cũng là lần đầu tiên Chi cục Thủy sản thực hiện việc quan trắc môi trường NTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Việc lấy mẫu quan trắc sẽ được thực hiện tại các vùng nuôi tôm tập trung và vùng nuôi tôm hùm, cá biển tại huyện đảo Lý Sơn.
Cũng theo bà Lê Thị Ngọc Hà, từ tháng 9/2019, tần suất lấy mẫu quan trắc sẽ được thực hiện 1 lần/tháng, nhằm kiểm tra các thông số về môi trường, kết quả quan trắc sẽ được thông tin đến người dân thông qua cơ quan quản lý địa phương.
Bài, ảnh: Ý Thu
Theo Báo Quảng Ngãi