Anh Mai, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) chia sẻ: “Thuận nhất của 1 vụ cá 1 vụ lúa là nguồn thức ăn sẵn có trong ruộng như: Bèo tấm, cỏ, các loại cây, con phù du nên cá nhanh lớn, thịt ngon. Cá sẽ giúp cây lúa phát triển tốt hơn, bản thân chúng tôi đỡ phải bỏ công diệt cỏ, trừ sâu bệnh”.
Với việc quây đồng trũng nuôi cá 1 vụ, cấy lúa 1 vụ, nhiều hộ dân các huyện như Cẩm Khê, Đoan Hùng có của ăn của để. Trong ảnh: Người dân xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê thu hoạch cá chuẩn bị gieo cấy lúa vụ chiêm xuân.
Trên cùng một đơn vị diện tích nuôi trồng 1 vụ lúa 1 vụ cá thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần cấy lúa, vì vậy đã có nhiều hộ mạnh dạn nuôi cá một vụ trên diện tích mặt nước lớn lên tới hàng chục ha.
Thời gian gần đây nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao. Đến nay số hộ thoát nghèo tại các địa phương ngày càng nhiều, số hộ làm giàu từ việc nuôi trồng thủy sản cũng đã tăng cao.
Cuối năm, con đường vào xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê dường như tấp nập hơn bởi đang mùa thu hoạch cá. Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng nước trắng xóa, anh Mai cán bộ nông nghiệp xã cho biết: “Trước kia cánh đồng về vụ này bỏ hoang, chỉ cấy được vụ chiêm. Nhờ chuyển sang nuôi trồng 1 vụ lúa 1 vụ cá, bà con đang thu hàng tấn cá”.
Anh Mai còn chia sẻ: “Thuận nhất của 1 vụ cá 1 vụ lúa là nguồn thức ăn sẵn có trong ruộng như: Bèo tấm, cỏ, các loại cây, con phù du nên cá nhanh lớn, thịt ngon. Cá sẽ giúp cây lúa phát triển tốt hơn, bản thân chúng tôi đỡ phải bỏ công diệt cỏ, trừ sâu bệnh”. Trên cùng một đơn vị diện tích nuôi trồng 1 vụ lúa 1 vụ cá thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần cấy lúa, vì vậy đã có nhiều hộ mạnh dạn nuôi cá một vụ trên diện tích mặt nước lớn lên tới hàng chục ha.
Với gần 20ha nuôi thủy sản một vụ, năm nay gia đình ông Hoàng Văn Tiến ở khu 1 lại trúng vụ cá lớn. Ông Tiến phấn khởi cho biết: Thấy được hiệu quả nuôi trồng 1 vụ lúa 1 cá, tôi đã thuê lại diện tích mặt nước ruộng của bà con xung quanh nhà để nuôi các loại cá truyền thống, sản lượng mỗi năm thu hoạch từ 30-35 tấn, với thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi thu hoạch cá xong, đầu tháng 1 tôi lại trả ruộng để người dân lấy đất làm vụ chiêm xuân.
Không thể để đời sống ngày một khó khăn, xã đã quy hoạch lại các vùng chỉ sản xuất được một vụ lúa, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng 1 lúa 1 cá, đồng thời phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả đó, đến nay nơi nào có nguồn sinh thủy bà con lại tận dụng nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cá xen với lúa.
Ông Trần Thanh Thúy – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: Toàn huyện Cẩm Khê có trên 1.800ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000ha; diện tích 1 vụ lúa, 1 vụ cá là 600ha; sản lượng thủy sản năm 2018 đạt trên 7.000 tấn.
Nhằm phát triển thủy sản, huyện đã thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, quy hoạch khai thác các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, vùng nuôi cá đặc sản và tận dụng những điều kiện sẵn có trên diện tích vùng sản xuất lúa kém hiệu quả góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân, đồng thời khuyến khích vận động nhân dân mạnh dạn đưa các mô hình nuôi trồng thủy sản mới đem lại giá trị kinh tế cao.
Là đất ven sông, diện tích đồng chiêm trũng chiếm một phần ba diện tích đất nông nghiệp của xã, nhiều đời nay người dân xã Phú Thứ, huyện Đoan Hùng đã sớm quen với nghề cá. Từ ngư dân chuyên nghề chài lưới đánh bắt trên sông đến nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vừa buông tay bừa, liềm hái đã tất bật nơm, vó, dậm kiếm tôm cá nơi đồng ngập úng, lưới thả trên sông…
Những năm gần đây, từ khai thác quảng canh đơn thuần, bà con nhân dân trong xã đã biết ngăn đồng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang nuôi thủy sản một vụ. Để hôm nay, thủy sản đã được xác định là hướng phát triển mũi nhọn của xã và có chỗ đứng vững chắc trở thành điểm tựa thoát nghèo, phát triển ổn định cho nhiều gia đình.
Có trong tay gần 1ha nuôi cá 1 vụ mỗi năm cho thu lãi hàng chục triệu đồng, kinh tế gia đình từ khó khăn đã dần được ổn định, anh Đinh Văn Khánh ở khu 2 cho biết: “Trước đây đất ruộng của gia đình tôi chỉ cấy được 1 vụ còn lại khi đến mùa mưa nước ngập trắng đồng không thể làm gì được. Nghe nhiều nơi họ quây đồng nuôi cá, tôi cũng mua lưới về đóng cọc làm thử và không ngờ rằng tiền bán cá một vụ gấp 3 lần trồng lúa cả năm. Giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo và có thêm của ăn của để”.
Không chỉ nuôi cá, gia đình anh Khánh còn tham khảo, học tập kinh nghiệm ở một số nơi để kết hợp nuôi thêm rắn mòng nước lấy thịt với giá thành từ 700.000 – 1 triệu đồng/kg. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ dân trong xã.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Đây là hướng đi đúng trong việc phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả này sẽ mở ra triển vọng mới cho những vùng đất chiêm trũng, giải quyết được 2 tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa canh và tăng thu nhập cho người dân.
Không kể đến số hộ thoát nghèo nhờ những mô hình nuôi cá 1 vụ ngày càng nhiều mà ngay cả số hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản giờ cũng không còn hiếm. Từ mô hình nuôi cá truyền thống đến những mô hình nuôi cá đặc sản, với phương thức chăn nuôi chuyển từ quảng canh sang nuôi với quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh ngày càng được các địa phương chú trọng.