Quy trình kỹ thuật nuôi cá dày

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá dày rất dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tật rất lớn, không cần tốn nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, do nguồn cá ngoài thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nên thị trường khan hiếm, giá cả cá dày luôn cao hơn một số loài cá khác, giúp mang lại giá trị kinh tế tốt hơn cho người nuôi.

Đặc điểm sinh học

Cá dày (Channa lucius Cuvier, 1831) có chiều dài 1,5 – 40,5 cm, khối lượng 0,05 – 680 g/con. Cá dày hình dáng giống cá lóc, đầu dài, nhọn; bụng có nhiều vệt đen, trắng xen kẽ. Cá dày sống tốt ở môi trường nước có nhiệt độ dao động từ 15 – 390C và ngưỡng pH đạt 2,7 – 10,3. Ngoài ra, còn thích nghi tốt với môi trường nước có độ mặn đạt ngưỡng cao khoảng 22‰. Tuy nhiên, khả năng chịu phèn rất kém. Cá dày là loài đẻ nhiều đợt trong năm và mùa vụ sinh sản tập trung vào tháng 5 – 6. Sức sinh sản tuyệt đối trung bình của cá dày 2,065 trứng/con và sức sinh sản tương đối trung bình 13.105±3.849 trứng/kg.

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi thường có diện tích trung bình từ 500 – 1.000 m2. Độ sâu mực nước từ 1,2 – 1,5m. Đáy ao nghiêng về cống thoát nước để đảm bảo thoát hết nước trong ao. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ. Đỉnh bờ ao cao hơn mực nước 0,5 – 0,7 m. Xung quanh ao có lưới bao cao khoảng 0,5 m. Có hệ thống cấp và thoát nước. Tát cạn ao, vét bùn đáy, diệt cá tạp. Xử lý vôi CaCO3 từ 7 – 10 kg/100 m2. Phơi ao 2 – 3 ngày. Cấp nước vào ao qua lưới lọc, diệt khuẩn môi trường nước, bón phân gây màu nước. Sau 3 – 5 ngày khi nước có màu xanh nõn chuối thì thả giống.

Mô hình nuôi cá dày tại Cần Thơ Ảnh: Bảo Kỳ

Thả cá giống

Chọn cá giống khỏe, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không dị tật hay xây xát. Nên chọn mua tại cơ sở có uy tín, trách nhiệm và bảo hành sản phẩm cá giống đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cung cấp người nuôi; không nên mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; ưu tiên các cơ sở gần để hạn chế thời gian vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt của cá.

Kích cỡ cá thả từ 300 – 1.000 con/kg. Mật độ thả 10 – 20 con/m2, có thể thả mật độ cao 30 con/m2. Trong khi vận chuyển, cần hạ thấp nhiệt độ để hạn chế tỷ lệ hao hụt.

Trước khi thả cần xử lý muối ăn NaCl 2% (2 kg muối ăn/100 lít nước) trong 2 – 3 phút để diệt ký sinh trùng, sát khuẩn cá và loại bỏ cá yếu, cá bị xây xát. Để bao cá xuống nước ao 15 – 20 phút mới thả cá ra bên ngoài nhằm để cá thích nghi dần nhiệt độ.

Thả cá vào buổi sáng hay chiều mát. Tốt nhất thả cá vào buổi sáng (7h – 10h), không nên thả vào buổi xế chiều nhất là vào những lúc trời nắng vì cá rất dễ bị tuột nhớt.

Chăm sóc và quản lý

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của cá mà lựa chọn loại thức ăn phù hợp. Có thể cho cá dày ăn thức ăn tươi sống: cá biển, cá tạp, tôm, tép, cua, ốc… Hoặc thức ăn chế biến hay còn gọi là thức ăn công nghiệp có bán trên thị trường với nhiều kích cỡ và chủng loại.

Cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Khẩu phần như sau:

Cá < 10 g: Cho ăn 10 – 12% khối lượng thân

Cá từ 11 – 100 g: cho ăn 5 – 10% khối lượng thân

Cá > 100 g: cho ăn 3 – 5% khối lượng thân.

Khẩu phần ăn còn phụ thuộc vào từng thời điểm, điều kiện môi trường, thời tiết và tình hình dịch bệnh.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá, theo dõi nhu cầu thức ăn tránh cho ăn quá nhiều hay quá ít. Thay nước hàng ngày khoảng 30% đối với cá lớn, cá nhỏ sau 2 – 3 ngày thì thay nước 1 lần.

Định kỳ bổ sung các loại vitamin, khoáng, men tiêu hóa 10 – 15 ngày/lần nhằm tăng sức đề kháng với mầm bệnh, giảm stress, hấp thu thức ăn tốt hơn và cá đồng cỡ hơn. Sát khuẩn môi trường nước thường xuyên 7 – 10 ngày/lần trong mùa có dịch bệnh hay từ 12 – 15 ngày/lần trong điều kiện bình thường.

Định kỳ 1 tháng/lần dùng vôi Ca(OH)2 liều lượng 6 – 8 kg/100 m2, hòa nước và tạt đều khắp ao.

Thường xuyên bắt cá kiểm tra tốc độ sinh trưởng và phát triển của cá.

Lưu ý: Khi chuyển đổi cỡ viên thức ăn cho cá, cần trộn 2 loại cỡ viên với tỷ lệ 80% cỡ viên mới và 20% cỡ viên cũ trong vòng khoảng 2 – 3 ngày để cá ăn đều, hạn chế sự phân đàn của cá. Cho cá ăn từ từ để hạn chế sự thất thoát chất dinh dưỡng trong thức ăn. Mỗi lần cho ăn, lượng thức ăn cần điều chỉnh theo sức ăn thực tế của cá. Chỉ nên cho ăn với lượng thức ăn khoảng 80 – 90 % sức ăn của cá.

Thu hoạch

Ngưng cho cá ăn 1 ngày trước khi thu hoạch. Thu hoạch cá vào lúc nước mát là tốt nhất. Việc thu hoạch cần phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, tránh cá bị xây xát, tuột nhớt.

Thời gian sinh trưởng của cá dày khá dài, từ lúc nuôi cá bột đến giai đoạn cá đạt trọng lượng 300 g để xuất bán phải mất khoảng 1,5 năm. Tại nhiều nhà hàng, mối lái đang thu mua cá thương phẩm với giá khá cao 250.000 đồng/kg.

Bích Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!