Sản lượng khai thác giảm, xuất khẩu cá ngừ gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, liên tục từ cuối tháng 3/2013, giá cá ngừ nguyên liệu chỉ dao động mức 50 – 55 nghìn/kg, thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, bằng 1/3 so với mức giá 150 – 170 nghìn/kg năm 2012.

Bảy tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ước đạt 336,3 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm hơn 36% thị phần với 121,4 triệu USD, giảm hơn 22% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Nhật đạt 33,3 triệu USD, giảm hơn 18%, chiếm gần 10% thị phần.

Vấn đề bảo quản cá ngừ sau thu hoạch cần được nâng cao hơn nữa nhằm đảm bảo chất lượng – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

Xuất khẩu giảm giá, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thiếu hụt. Tại Bình Định, sản lượng cá ngừ đại dương 7 tháng đầu năm ước đạt gần 5.500 tấn, bằng 97% so với cùng kỳ; tại Phú Yên, sản lượng cá ngừ chỉ đạt hơn 4.000 tấn, bằng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do chi phí chuyến biển cao, giá cá giảm mạnh khiến nhiều tàu thua lỗ, nằm bờ. Cụ thể tại Phú Yên, tính đến đầu tháng 7 toàn tỉnh chỉ có 117/973 tàu trên 90 CV tham gia khai thác xa bờ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn này, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí để ngư dân áp dụng một số giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương khai thác. Hiệp hội cũng trình lên Tổng cục Thủy sản những đề xuất của đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ và sản xuất cá ngừ theo chuỗi” nhằm hoàn thiện những biện pháp khai thác, chế biến, tiêu thụ sản xuất loại lợi thế này. Trước mắt, trong những tháng tiếp theo, việc triển khai các biện pháp bảo quản sau thu hoạch, giữ chất lượng cá cần được tiến hành nghiêm ngặt, lấy chất lượng bù số lượng khai thác.

>> Các nhà khoa học khuyến cáo ngư dân nên thay đổi trong việc thu câu, đưa cá lên khoang tàu, giết cá, xả máu, ngâm hạ nhiệt trước khi bảo quản. Cụ thể, quá trình làm lạnh qua 2 giai đoạn: làm lạnh bề mặt cá trước rồi mới lạnh vào trong lõi thân; sử dụng đá và nước biển để làm lạnh; vận chuyển cá lên bờ nhẹ nhàng (không bẻ xoắn, uốn cong cá khi bốc từ hầm lạnh, không ném hay kéo lê trên boong tàu và sàn cầu…).

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!