Scotland: Xử lý nước thải thủy sản bằng phương pháp không hóa chất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các nhà khoa học Scotland đang nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải không hóa chất N-ovatio-N cho các trại nuôi thủy sản RAS. Sáng kiến này sẽ tạo ra những phụ phẩm hữu ích và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Phương pháp xử lý nước thải từ trại nuôi trồng thủy sản không dùng hóa chất là sáng kiến của các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Khoa học hàng hải Scotland (SAMS) dưới sự hỗ trợ tài chính từ Trung tâm cải tiến nuôi trồng thủy sản bền vững (SAIC). Phụ phẩm sau quá trình xử lý nước thải sẽ được tận dụng để phát triển rong biển hoặc giun biển. 

Thiết bị xử lý nước do công ty Power and Water thiết kế và cung cấp sẽ được sử dụng thí điểm tại trại cá hồi giống Barcaldine của Sea Farm. Ảnh: Scottish Sea Farms

Theo đánh giá của SAIC, sáng kiến của SAMS sẽ mở đường cho các trang trại nuôi trồng thủy sản xử lý nước thải theo phương pháp tuần hoàn hơn. Hiện, trang trại nuôi cá hồi Sea Farms, hãng công nghệ nước Power and Water và công ty dịch vụ xử lý nước thải Tradebe cũng tham gia nghiên cứu cùng với SAMS. 

Tiến sĩ Georgina Robinson, trưởng nhóm nghiên cứu tại SAMS cho biết, hầu hết chất thải nuôi trồng thủy sản hiện nay đều đã được tái chế để sử dụng trong ngành nghề khác. Nhưng công nghệ của SAMS lại đi theo một hướng khác đó là đưa phụ phẩm sau khi xử lý chất thải quay trở lại phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản, ví dụ làm thành thức ăn giàu protein, từ đó tạo thành một vòng tuần hoàn kín. Ông Georgina Robinson nhấn mạnh thêm, chất thải nuôi trồng thủy sản thường không có giá trị như các phụ phẩm từ ngành khác, nhưng SAMS đã thay đổi quan điểm này bằng phương pháp tiếp cận tuần hoàn, tức là sử dụng phụ phẩm chất thải làm nguyên liệu thức ăn bền vững để mang lại lợi ích cho các trại nuôi trồng thủy sản. 

Hệ thống xử lý nước thải của SAMS có thể sử dụng cho các trại nuôi trên biển, đất liền, nước mặn hoặc nước ngọt. Các chuyên gia nghiên cứu kỳ vọng công nghệ này sẽ sớm lan tỏa khắp toàn cầu ngay sau khi dự án hoàn tất. Thiết bị xử lý nước do công ty Power and Water thiết kế và cung cấp sẽ được sử dụng thí điểm tại trại cá hồi giống Barcaldine của Sea Farm. Với quy trình điện hóa và công nghệ siêu âm, thiết bị sẽ tách nước dư thừa từ chất thải, chỉ giữ lại những chất dinh dưỡng và sau đó dùng làm thức ăn cho giun biển, hay còn gọi là giun nhiều tơ, để thúc đẩy sự phát triển của chúng. Giun nhiều tơ là thức ăn trực tiếp cho tôm bố mẹ và nhiều vật nuôi khác trên cạn. 

Trong giai đoạn hai của nghiên cứu, SAMS và các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá thành phần dinh dưỡng của giun gồm protein và axit béo để xác định mức độ phù hợp khi sử dụng làm thành phần thức ăn thủy sản. Nước thải còn lại được lọc tiếp bằng cách sử dụng rong biển tự nhiên để hấp thụ nitơ và phốt pho. 

Trong giai đoạn cuối cùng, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá tác động môi trường và giảm thiểu khí thải nhà kính bằng hướng tiếp cận hoàn toàn mới so với những phương pháp xử lý nước thải hiện nay. Chất thải lỏng từ trại nuôi thủy sản được vận chuyển và rải vào đất liền ở các vùng nông thôn sau khi xử lý. SAMS dự kiến công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn N-ovatio-N dự kiến ra mắt thị trường vào đầu năm 2024. 

Tuấn Minh

(Theo GAA)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!