T2, 06/07/2020 10:12

Sea Minh Hải – Đột phá trong chiến lược kinh doanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước những thách thức mà nhiều doanh nghiệp chế biến tôm phải đối mặt về thiếu nguyên liệu, cạnh tranh thị trường, Công ty CP Thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đã có những chính sách phát triển hợp lý, đem lại lợi nhuận cao.

Phát triển chiều rộng

Được thành lập vào năm 1988, Sea Minh Hải có hai xí nghiệp chế biến tôm là Xí nghiệp F.78 và F.69. Trong đó, F.78 có trên 5.800m2 nhà xưởng, 800 công nhân, công suất chế biến 10 tấn thành phẩm/ngày. F.69 là xí nghiệp có diện tích lớn nhất của Sea Minh Hải, gồm 3 phân xưởng độc lập với kho lạnh riêng; phân xưởng 1 có diện tích trên 3.200m2; phân xưởng 2 có diện tích 860 m2, chuyên chế biến sushi với công suất 4,5 triệu con/tháng; phân xưởng 3 (Xí nghiệp Chế biến thủy sản Trà Kha) có diện tích trên 2.400m2, công suất chế biến 15 tấn thành phẩm/ngày.

Đội ngũ hơn 1.000 CBCNV Sea Minh Hải có tay nghề và kinh nghiệm cao – Ảnh: Thanh Ngân

Tháng 5/2010, Công ty đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tôm lớn và hiện đại – Xí nghiệp Chế biến thủy sản Láng Trâm (xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), với tổng giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng. Nhà máy nằm gần trung tâm vùng nuôi tôm lớn thứ hai của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, có thể mua được nguyên liệu dễ dàng. Nhà máy có tổng diện tích nhà xưởng 8.200m2, công suất chế biến 4.000 tấn thành phẩm/năm, tạo việc làm cho 1.400 – 1.500 công nhân khi hoạt động toàn công suất. Đây là phân xưởng độc lập có thể chế biến đầy đủ các mặt hàng từ tôm. Nhà máy được đầu tư hệ thống băng chuyền chế biến, hệ thống cấp đông và kho lạnh hiện đại với những thiết bị do Mỹ, Nhật Bản chế tạo, có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh trước khi đưa ra môi trường.

 

Trọng chất

Từ nhiều năm nay, Sea Minh Hải đã xác định hướng phát triển chiến lược là giảm khối lượng hàng sơ chế, tăng chế biến các mặt hàng GTGT mang lại lợi nhuận cao.

>> Theo Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu của Sea Minh Hải đạt 46.290.331 USD, đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Mặc dù có 3 nhà máy lớn và hiện đại nhưng kim ngạch xuất khẩu của Công ty những năm gần đây chỉ 45 – 55 triệu USD/năm. Kế hoạch đặt ra cho năm 2011, sau khi có thêm nhà máy mới hoạt động, cũng chỉ 65 triệu USD, trong khi về lý thuyết Sea Minh Hải có thể đạt giá trị xuất khẩu hơn 100 triệu USD/năm.

Công ty chuyển trọng tâm sang sản xuất hàng GTGT khối lượng nhỏ nhưng lợi nhuận cao, công nhân có thu nhập và việc làm ổn định. Lãnh đạo Công ty quan tâm nhất là tỷ suất lợi nhuận không nhiều thì không bằng doanh số thấp nhưng lợi nhuận nhiều, lại không phải cạnh tranh nguyên liệu, cạnh tranh bán hàng.

Giải thích điều này, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Sea Minh Hải, cho biết: “Giả sử tỷ suất lợi nhuận là 10%, tôi chỉ cần xuất 50 triệu đã có lãi 5 triệu. So với lợi nhuận chỉ 2 – 3% như khi xuất hàng thô, muốn có 5 triệu USD lợi nhuận kim ngạch xuất khẩu ít nhất cũng phải trên trăm triệu USD. Như vậy, khi xuất 50 triệu sẽ giảm 1/2 tiền vay ngân hàng, giảm 1/2 áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước, mà lợi nhuận cuối cùng vẫn đạt 5 triệu USD. Điều quan tâm bây giờ là giảm áp lực lên doanh nghiệp mà vẫn giữ được lợi nhuận, nên phải tăng tỷ suất lợi nhuận và giảm căng thẳng về cạnh tranh, chống bán phá giá…”.

Ông Hải cũng khẳng định, từ năm nay trở đi, tỷ lệ hàng GTGT sẽ chiếm 70 – 80% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu), Nhật Bản (35%), châu Âu (20%). Tôm sú chiếm trên 80% khối lượng sản phẩm chế biến của Công ty, còn lại là tôm thẻ chân trắng.

 

Truy xuất đến từng sản phẩm

Để cung cấp các thực phẩm có chất lượng, an toàn và giá trị dinh dưỡng cao, các nhà chế biến phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm chế biến khi đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp chế biến phải có một hệ thống truy xuất kịp thời và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do vậy, truy xuất ngược hoặc truy xuất xuyên suốt trong quá trình từ ao nuôi đến bàn ăn ngày nay trở thành một tiêu chí, một yếu tố phải có và hữu cơ trong hệ thống quản lý chất lượng của nhà chế biến.

Chính vì vậy, ngoài việc áp dụng các chương trình kiểm soát chất lượng như HACCP, nguyên tắc GMP, SSOP, các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001: 2000, BRC và ACC, Sea Minh Hải đã phát triển và đưa vào vận hành hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, xem đó là một bộ phận thống nhất trong hệ thống quản lý chất lượng. Đồng thời, Công ty đang bước đầu triển khai hệ thống truy xuất trực tuyến để người tiêu dùng, nhà xuất khẩu, nhà phân phối nhanh chóng có được thông tin truy xuất mà không bị hạn chế bởi không gian, thời gian.

Vì thế, sản phẩm tôm xuất khẩu của Sea Minh Hải luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và được nhiều thị trường (Nhật, Mỹ, EU, Úc, Triều Tiên…) ưa chuộng.

>> Công ty CP Thủy sản Minh Hải được thành lập năm 1988. Đây là công ty quốc doanh, khởi thủy là Chi nhánh Seaprodex Minh Hải.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!