Sự phi lý của thuế bán phá giá cá tra Việt Nam tại Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặt hàng fillet cá tra Việt Nam vẫn “long đong” tại thị trường Mỹ, vì thuế chống bán phá giá (CBPG) được tính theo những chi phí tại Indonesia. Mức thuế cao vô lý đó đang chặn đứng cơ hội thâm nhập thị trường này của các hãng xuất khẩu cá tra tại Việt Nam.

Đâu là lẽ phải?

Ngày 29/3/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 11 của lệnh CBPG với mặt hàng fillet cá tra/basa đông lạnh từ Việt Nam. Hai nhà xuất khẩu lớn nhất, Công ty CP Hùng Vương và Công ty TNHH SX TM DV Thuận An (Tafishco) đã nhận được mức thuế suất tương ứng 0,41 USD/kg và 0,97 USD/kg, trong khi mức thuế suất bình quân là 0,69 USD/kg được đánh vào các công ty có thể chứng minh sự độc lập từ Chính phủ Việt Nam. Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế suất trừng phạt là 2,39 USD/kg với tất cả các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam và lựa chọn một nước không tương đồng kinh tế với Việt Nam như Indonesia để tính toán mức thuế CBPG.

Căn cứ vào việc đối xử Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, DOC đã từ chối dữ liệu chi phí và giá cả được báo cáo từ Việt Nam. Thay vào đó, theo luật Mỹ, DOC xác định giá trị thông thường của fillet cá tra/basa bằng việc áp dụng phương pháp xây dựng chi phí, trong đó định giá tất cả các yếu tố đầu vào riêng lẻ được sử dụng để sản xuất fillet cá tra (cá nguyên con, con giống, thức ăn, hóa chất, chi phí nhân công, điện…) dựa trên các mức giá đang phổ biến tại một quốc gia giá trị thay thế. Theo đó, DOC được ủy thác lựa chọn quốc gia giá trị thay thế, căn cứ vào hai tiêu chí: quốc gia “tương đồng kinh tế” với Việt Nam về tổng thu nhập quốc dân theo đầu người (GNI); và quốc gia đó là một “nhà sản xuất đáng kể” hàng hóa có thể so sánh được.

sự phi lý của thuế bán phá giá cá tra việt nam tại mỹ

Chuẩn bị cá giống cho vụ nuôi mới tại Sunflower, Hiss – Ảnh: William Widmer

 

Nguyên do?

Vào lúc bắt đầu tiến trình của mỗi đợt rà soát, Văn phòng Chính sách của Bộ Thương mại (OP) ban hành một danh sách các quốc gia được cân nhắc là tương đồng về mặt kinh tế với Việt Nam, căn cứ trên GNI của các quốc gia riêng lẻ. Danh sách này ban hành vào lúc bắt đầu đợt rà soát hành chính thứ 11 và không bao gồm Indonesia do GNI của Indonesia đã bỏ xa GNI của Việt Nam! Do đó, theo luật và tiền lệ đã được xác lập, DOC đã được yêu cầu lựa chọn một quốc gia giá trị thay thế từ danh sách các quốc gia tương đồng về mặt kinh tế của OP, gồm Bangladesh, Philippines và Ấn Độ. Cả ba quốc gia này, đặc biệt Bangladesh, có đủ dữ liệu để giá trị chất lượng cho phép DOC xác định giá trị thông thường của fillet cá tra chính xác.

Sự kiện này đặt ra một câu hỏi nghiêm túc là tại sao DOC lựa chọn Indonesia – một quốc gia không tương đồng về mặt kinh tế với Việt Nam? Trước đó, DOC đã từng xác định giá trị thông thường của fillet cá tra/basa Việt Nam căn cứ trên dữ liệu giá của Bangladesh. Trong suốt giai đoạn này, Bangladesh và Indonesia đều nằm trong danh sách các quốc gia tương đồng về mặt kinh tế của OP. 

Do thất bại trong nỗ lực khống chế việc nhập khẩu từ Việt Nam, các chủ trại nuôi cá tại Mississippi, Arkansas, Louisiana và Hiệp hội Các chủ trại cá da trơn Mỹ (CFA) đã gây sức ép lớn đối với DOC, khiến DOC phải thay đổi đội ngũ điều tra. CFA cũng kiên cường vận động hành lang DOC để chuyển đổi quốc gia giá trị thay thế từ Bangladesh sang Indonesia.

 

Đi tìm giải pháp

Ông Ketuk Sugama, Tổng Cục trưởng Cục Thống kê dữ liệu Thủy sản Indonesia (IAS) đã gửi bản tuyên thệ cho DOC và giải thích rằng dữ liệu IAS đã phản ánh giá của nhiều loài cá khác nhau được nuôi bằng nhiều phương pháp chứ không chỉ nuôi bằng ao như cá tra ở Việt Nam. VASEP đã nộp nhiều công văn từ các viên chức Chính phủ Bangladesh, chứng minh chất lượng của dữ liệu giá bán buôn của Cơ quan Tiếp thị nông nghiệp Bangladesh (DAM) đối với các loài pangasius hypophthalmus được nuôi trong ao, tương đương cá tra/basa nuôi trong ao.

Tuy vậy, DOC đã từ chối dữ liệu DAM bằng việc chỉ đơn giản dựa vào một vài bản tuyên thệ tự thực hiện của các nhà tư vấn do CFA trả tiền. DOC cáo buộc sai lầm rằng dữ liệu DAM bao gồm giá bán cá chết, và chấp nhận một cách mù quáng dữ liệu của IAS, hoàn toàn lờ đi bản tuyên thệ có thẩm quyền của ông Sugama. VASEP đã phản đối quyết định này ra trước Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ và kết quả cuối cùng vẫn đang chờ đợi.

Tuy nhiên, ngày 30/3/2016, Tòa án Thương mại Quốc tế đã tuyên án thuận lợi cho Việt Nam về vấn đề quốc gia giá trị thay thế, đó là duy trì sự lựa chọn Bangladesh và sự đáng tin cậy toàn diện của dữ liệu DAM của Bangladesh. Vẫn còn chưa biết rõ mức độ quyết định này sẽ giúp đỡ VASEP trong các vụ tranh tụng trong tương lai như thế nào.

CFA vẫn tiếp tục tạo thêm hàng rào phi thuế quan chống lại việc xuất khẩu fillet cá tra/basa từ Việt Nam. Căn cứ theo các nỗ lực vận động hành lang của CFA, bắt đầu từ 1/3/2016, tất cả các nhà xuất khẩu cá tra/basa phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Cơ quan Kiểm tra và An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Các tiêu chuẩn tương đồng và chế độ kiểm tra/chứng nhận toàn quốc của USDA-FSIS rất phức tạp và sẽ là một thử thách đối với Việt Nam. May mắn thay, Việt Nam vẫn có giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng trước khi các tiêu chuẩn này có hiệu lực đầy đủ.

Do đó, một lưu ý quan trọng với Việt Nam là phải tiếp tục đấu tranh với vấn đề lựa chọn quốc gia giá trị thay thế với Mỹ. Chính quyền Mỹ nên được thông báo rằng thực tiễn hoạt động của DOC về vấn đề này là mâu thuẫn nội tại. Trong một tiến trình CBPG đang diễn ra song song đối với một sản phẩm thủy sản khác là tôm đông lạnh từ Việt Nam, DOC tiếp tục lựa chọn Bangladesh làm quốc gia giá trị thay thế. Sự kiện này cho thấy việc lựa chọn Indonesia làm quốc gia giá trị thay thế không dựa trên luật hay dữ kiện thực tế; thay vào đó, nó là kết quả của sự lựa chọn định hướng kết quả, được thiết kế chỉ nhằm để tăng biên độ CBPG. Chính phủ Việt Nam cũng nên cân nhắc sử dụng ảnh hưởng từ các quan hệ mới và các động thái xung quanh Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chống lại thực tiễn hoạt động bất hợp pháp và bất công của Bộ Thương mại trong vụ kiện CBPG fillet cá tra Việt Nam.

>> Sự lựa chọn Indonesia của DOC rõ ràng là bất hợp lý vì nhiều lý do. Trước tiên là việc DOC đột ngột lựa chọn Indonesia, chỉ sau khi DOC loại bỏ quốc gia này do không đáp ứng tiêu chí tương đồng về mặt kinh tế. Thứ hai, ngay cả khi bỏ qua vấn đề thiếu tương đồng về mặt kinh tế, lập luận đề xuất của DOC khi lựa chọn Indonesia thay Bangladesh do Indonesia có đủ dữ liệu giá đáng tin cậy với cá nguyên con trong khi dữ liệu giá của Bangladesh không đáng tin cậy – là cách lý giải không thuyết phục và mâu thuẫn với chứng cứ được nộp cho DOC.

Luật sư Dharmendra N. Choudhary

(Chuyên gia về lĩnh vực chống bán phá giá tại văn phòng Washington DC, hãng luật GDLSKLLI)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!