T2, 05/09/2022 04:02

Tấm thiếp chúc Tết và điều tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dịp Xuân Bính Tuất năm 2006, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đã 95 tuổi, gửi thiếp Chúc mừng năm mới tới Bộ Thủy sản. Bây giờ thật xúc động mỗi khi nhìn lại dòng chữ nghiêng nghiêng này của vị Tổng tư lệnh lỗi lạc.

Nhân dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 25/8/1911), Tạp chí Thủy sản Việt Nam trân trọng giới thiệu những dòng tâm sự của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc về vị Đại tướng tài ba của dân tộc và tâm huyết của ông đối với ngành thủy sản.

Đây là tấm thiếp năm mới cuối cùng mà Bộ chúng tôi nhận được từ vị Đại tướng mà tên tuổi gắn với những huyền thoại trong các cuộc chiến tranh giành độc lập đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thế kỷ XX. Với riêng tôi, sau đó 5 năm, còn nhận được những dòng cảm ơn từ Đại tướng khi thăm và chúc thọ ông nhân dịp ông tròn 100 tuổi, ngày 25/8/2011. Khi đó ông đã nằm viện.

Phát triển thủy sản để góp phần làm cho nước ta giàu mạnh, để dân ta ấm no, để đem cuộc sống văn minh đến với các làng biển hẻo lánh hay sát ngay đô thị sầm uất mà còn nghèo và lạc hậu. Khuyến khích và tổ chức ngư dân bám biển sản xuất để củng cố mặt trận quốc phòng toàn dân trên biển luôn là điều bác Giáp quan tâm và nhắc đến trong những lần gặp và những câu bác dặn dò chúng tôi.

Đó là mối quan tâm xuyên suốt nhiều thập kỷ, trong thời chiến cũng như thời bình. Đó là việc rất lớn của cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là vai trò quản lý của Bộ Thủy sản. Đại tướng rất vui mừng mỗi khi có thông tin về những thành tựu khoa học mới, những kỹ thuật mới, điều kiện và phương tiện điều tra nghiên cứu mới về biển, về ngư trường, về công cụ khai thác, những kết quả tích cực trong sản xuất giống thủy sản và nghề nuôi…

Một trong những điều quý giá nhất của nước ta là tiếp giáp với đại dương, có bờ biển dài, có nhiều eo vịnh, đảo và quần đảo lớn nhỏ, có tài nguyên biển phong phú, trong đó có tài nguyên sinh vật đa dạng, thuận cho kinh tế và dân sinh. Một khi biết giữ gìn biển thì nơi đây sẽ là một ưu đãi bất tận để tái tạo nguồn lợi sinh học và giữ sạch môi trường sinh thái.

Biển cũng là cửa ngõ để chúng ta giao thương với tất cả các nơi trên thế giới và cũng thuận lợi khi giao thương giữa vùng này với vùng khác trong nước. Tuy nhiên, biển cũng là cửa ngõ của nhiều cuộc xâm lăng trong lịch sử, là những sự xâm nhập thường xuyên vi phạm an ninh lãnh thổ và gây bất ổn cho xã hội.

Biển cũng là nơi luôn rình rập những rủi ro thiên tai… Cán bộ và bộ máy ngành, mà trước hết là Bộ Thủy sản những năm tháng đó có trách nhiệm quản lý rất lớn. Lời chúc Tết của Đại tướng cũng hàm ý yêu cầu Bộ Thủy sản lúc đó phải mạnh lên, đủ sức cả với những đòi hỏi như vậy.

Tôi nhớ, khi tôi về công tác ở Bộ vẫn còn một vụ có tên là Vụ 1. Thời gian sau này, Vụ 1 mới nhập vào Vụ Kế hoạch đầu tư, nhưng nhiệm vụ liên quan đến an ninh quốc phòng của nó không mất đi mà lồng ghép trong các chương trình, dự án đầu tư và kế hoạch hàng năm.

Với tình hình địa chính trị thế giới và khu vực ngày càng phức tạp, với những diễn biến khó lường trên Biển Đông như hiện nay, tôi lại nghĩ tới lời dặn và sự trăn trở của Đại tướng về yêu cầu gắn kết phát triển sản xuất với tổ chức quốc phòng trên biển.

Cùng với việc xây dựng lực luợng Hải quân hùng mạnh, chính quy, theo Đại tướng, việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển luôn có ý nghĩa rất lớn. Đã một thời, dân quân vùng biển, các hợp tác xã đánh cá khắp miền Bắc “tay lưới tay súng” bảo vệ quê hương ở miền Bắc, tham gia tiếp vận cho miền Nam đến tận ngày toàn thắng.

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2022

Tạ Quang Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!