(TSVN) – Tại Hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ của Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã có bài tham luận nhằm đưa ra một số giải pháp phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam.
Những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đến từ giá tôm thế giới giảm sâu, thị trường nhập khẩu suy thoái, cạnh tranh mạnh với thị trường tôm Ecuador, Ấn Độ và các dịch bệnh tôm nghiêm trọng xảy ra.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay dịch bệnh EMS và EHP đã gây ra những thiệt hại to lớn cho ngành tôm Việt Nam cũng như ngành tôm toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, từ tháng 6/2023, dịch bệnh TPD bùng phát trên diện rộng ở các trại tôm giống Miền Trung, sau đó lan rộng xuống khu vực ĐBSCL, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính vì thế tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, bình quân không quá 40%.
Đứng trước khó khăn chung của ngành tôm, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đưa ra giải pháp Công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO (gọi tắt là Công nghệ MPBiO)
Những khó khăn đang “bủa vây” người nuôi tôm tại Việt Nam đã khiến cho người nuôi tôm đã lỗ lại càng lỗ nặng hơn, buộc người nuôi tôm phải treo ao không nuôi trên 70%.
Vì người nuôi tôm Việt Nam đang lỗ và nghề nuôi tôm Việt Nam rủi ro quá cao nên các ngân hàng không dám cho người nuôi tôm Việt Nam vay vốn để nuôi tôm nên người nuôi tôm Việt Nam không có tiền để mua thức ăn tôm cũng như hóa chất, chế phẩm vi sinh và vật tư nuôi tôm mà phải mua qua nhiều cấp đại lý. Chính vì thế đẩy giá thức ăn nuôi tôm và các vật tư nuôi tôm lên cao thêm 30 – 50% đẩy giá thành tôm nuôi của VN đã cao lại cao thêm trên 25%.
Theo đánh giá của ông Lê Văn Quang, riêng đối với ngành tôm công nghệ cao tại Cà Mau, nuôi tôm trong các ao bạt tròn nổi hoặc ao bạt đất chìm với diện tích hạn chế như hiện nay cho hiệu suất rất thấp, quá trình xử lý nước bằng hóa chất với mức độ cao thực sự không hiệu quả. Chính vì vậy, cần có những giải pháp công nghệ cấp bách và hiệu quả nhằm hỗ trợ người nuôi tôm “vực dậy” sau giai đoạn khủng hoảng để sẵn sàng cho một trang mới của ngành tôm Việt Nam trong những năm tới.
Thủ Tướng Phạm Minh Chính tham dự và thăm gian hàng của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Festival tôm Cà Mau 2023
Đứng trước những thách thức và hỗ trợ cho sự chuyển mình của ngành tôm Việt Nam, với mục tiêu chiến lược thuận theo tự nhiên, cân bằng môi trường, phát triển bền vững, chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận cao, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đưa ra giải pháp Công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO (gọi tắt là Công nghệ MPBiO).
Công nghệ MPBiO không cần sử dụng thuốc tím, PAC và Chlorine, là tổng hợp của 9 giải pháp công nghệ bao gồm kháng thể IgY, biomimicry, copefloc, biofloc, tảo khuê, probiotics, sinh học, bioclear và số hóa công nghệ.
Đồng hành với người nông dân, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hỗ trợ công cụ kiểm soát và giám sát ao tôm 24/24 theo thời gian thực, kèm công cụ ngăn chặn được trục lợi bảo hiểm. Đây là phần mềm và các thiết bị cùng các giải pháp công nghệ của Công ty công nghệ OTANIC, công ty thành viên của Tập đoàn thủy sản Minh Phú với thương hiệu TOMOTA.
Công nghệ nuôi tôm MPBiO đầu tiên được áp dụng thử nghiệm tại trang trại nuôi 7 ha ở Hàm Rồng, Năm Căn. Kết quả đạt được 1,5 vụ thành công 100%. Hiện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang nuôi thử nghiệm 474 ao nuôi ở farm MPLA. Ao nuôi dài nhất là 120 ngày thu 20 con/kg, ao trung bình là 90 – 95 ngày, cỡ 28 – 34 con/kg, còn ao ngắn nhất là 55 – 65 ngày với cỡ 50 – 55 con/kg. Tôm ôxy bán tại ao giá 195.000 đồng/kg cỡ 30 con/kg. Theo dự đoán, từ nay tới Tết Nguyên Đán giá sẽ lên trên 300.000 đồng/kg cỡ 30 con/kg với chi phí nuôi dự khiến khoảng 80.000 đồng/kg.
Với các giải pháp về Công nghệ nuôi tôm MPBiO ở trên cùng với các giải pháp công nghệ và số hóa nên đã ngăn chặn được trục lợi bảo hiểm nuôi tôm mà từ đó các công ty bảo hiểm, các công ty tái bảo hiểm đồng ý bán bảo hiểm nuôi tôm cho những người nuôi tôm ĐBSCL hợp tác nuôi tôm theo Công nghệ MPBiO. Khi có bảo hiểm nuôi tôm thì ngân hàng sẽ cho người nuôi tôm Việt Nam vay vốn để nuôi tôm. Vì thế nguồn vốn cho nuôi tôm được khơi thông từ đó giảm giá thành tôm nuôi của người nuôi tôm ĐBSCL giảm được trên 25%.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cam kết rằng công nghệ MPBiO không chỉ là đột phá mà còn là giải pháp toàn diện, giúp nâng cao hiệu suất và lợi nhuận trong điều kiện ngành nuôi tôm đang đối mặt với nhiều thách thức. Tập đoàn Minh Phú hy vọng rằng sự chia sẻ này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm tại Việt Nam.
Oanh Thảo