Tây Ban Nha: Phản đối trại nuôi bạch tuộc thương mại ở quần đảo Canary

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vào Ngày bạch tuộc thế giới (20/8/2023), 76 tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học cùng dân chúng khắp thế giới đã kêu gọi chính quyền đảo Canary từ chối kế hoạch xây dựng trang trại nuôi bạch tuộc thương mại đầu tiên trên thế giới ở Gran Canaria, Tây Ban Nha.

Các tổ chức phi chính phủ gồm World Farming, Greenpeace Tây Ban Nha, Eurogroup for Animals, Oceana tại Anh cùng nhiều chuyên gia đã gửi thư tới chính quyền quần đảo Canary và kêu gọi họ từ chối phê duyệt giấy phép quy hoạch cho công ty Nueva Pescanova xây trại nuôi bạch tuộc ở cảng Las Palmas. Nội dung thư chỉ rõ, nuôi nhốt bạch tuộc trong trang trại là một hành vi vô nhân đạo, hủy hoại môi trường và có thể tác động tiêu cực đến cộng đồng cư dân cũng như hoạt động du lịch trên đảo. 

Cảng Las Palma ở Gran Canaria, nơi công ty Nueva Pescanova đang xin giấy phép xây trang trại nuôi bạch tuộc công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Spanish Ports

Năm 2021, tổ chức chăn nuôi nhân đạo Compassion in World Farming đã công bố báo cáo “Nuôi bạch tuộc – khởi nguồn thảm họa”, trong đó nêu rõ những đặc điểm đặc biệt của bạch tuộc khiến chúng không phù hợp với môi trường nuôi thâm canh. Dựa trên các bằng chứng khoa học, báo cáo cũng thông tin thêm, bạch tuộc là động vật có tri giác và thường sống cũng như săn mồi đơn độc. Compassion in World Farming khuyến cáo, nuôi nhốt bạch tuộc trong bể dưới nước khiến chúng hung hăng hơn, thậm chí ăn thịt đồng loại. 

Các nhà khoa học khẳng định dù với bất kỳ phương pháp nào, việc nuôi nhốt bạch tuộc vẫn là hành động tàn nhẫnẢnh: Theguardian

Tháng 3/2023, Compassion in World Farming hợp tác với tổ chức Eurogroup for Animals công bố báo cáo thứ hai “Hé lộ thực tế khủng khiếp về nuôi bạch tuộc”. Trong báo cáo này, các tổ chức phi chính phủ đã nhắc đến siêu trang trại bạch tuộc đầu tiên trên thế giới đặt tại quần đảo Canary, Tây Ban Nha với quy mô 1 triệu con mỗi năm, tương ứng 3.000 tấn. 

Nhu cầu bạch tuộc gia tăng cũng khiến hoạt động săn bắt loài hải sản này tăng mạnh. Thế giới hiện đang tiêu thụ khoảng 350.000 tấn bạch tuộc mỗi năm, gấp 10 lần so với thập niên 1950. Một số công ty tại Nhật Bản, Mexico và Hawaii trong những năm gần đây đã liên tục thúc đẩy ý tưởng nuôi bạch tuộc và Nueva Pescanova là công ty đầu tiên trên thế giới tuyên bố hiện thực hóa ý tưởng này. Tuy nhiên, trong ba năm qua, các kế hoạch nuôi bạch tuộc đều vấp phải sự chỉ trích và phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Bang Washington ở Mỹ đã đề xuất dự luật cấm nuôi bạch tuộc trong khi nước Anh công nhận bạch tuộc là loài động vật có tri giác. Chính quyền Hawaii đã đóng cửa trại nuôi bạch tuộc ở Kanaloa và Canada. 

Đan Linh 

(Theo Fishfarming)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!