(TSVN) – Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Điển hình là mô hình nuôi cá kết hợp canh tác lúa hữu cơ.
Tháng 6/2022, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp NTTS Tràm Cát triển khai thực hiện Dự án cá – lúa với quy mô 0,5 ha, tại hộ anh Lâm Thanh Hồng, ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Trung tâm hỗ trợ nông dân 100% giống, 30% thức ăn. Nông dân tham gia dự án được tập huấn, hội thảo nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc và theo dõi quá trình thực hiện mô hình. Để thực hiện mô hình, anh Hồng đã thuê máy móc mương xung quanh ruộng tạo thành vòng đê bao khép kín và tiến hành gieo sạ lúa.
Anh Hồng chia sẻ, ban đầu, cá được nuôi ươm bằng thức ăn công nghiệp trong vèo xung quanh ruộng. Đến lúc lúa đẻ nhánh, cá được thả ra ruộng lúa để ăn thức ăn tự nhiên trên ruộng. Sau 4 tháng thực hiện mô hình, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, sản lượng sau thu hoạch đạt khoảng 2 tấn, sau khi xuất bán, đã đem lại thu nhập cho gia đình hơn 80 triệu đồng. Trong khi, nhờ có cá ăn sâu rầy nên cây lúa cũng phát triển rất tốt, ruộng lúa ít cỏ dại, các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón đáng kể. Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác, anh không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà cây lúa vẫn phát triển, không bị sâu rầy phá hoại như những diện tích chỉ canh tác độc canh cây lúa xung quanh.
Theo tính toán, nếu như trước đây chỉ độc canh mỗi cây lúa, với 1ha, sau khi trừ chi phí canh tác, thu nhập của người nông dân không tới 30 triệu đồng/năm, thì nay, chỉ tính riêng cá, sau 4 tháng nuôi thả nuôi, với mức giá khoảng 40.000 đồng/ kg, mô hình đã mang về thu nhập cho gia đình anh Hồng hơn 80 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ lúa.
Qua thực tế triển khai các dự án cho thấy, mô hình đã giúp nông dân tiết giảm chi phí đầu tư rất lớn. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như thời gian vừa qua, thì mô hình cá – lúa đã giúp hạn chế côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc và các bệnh về cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng, phù hợp và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đối với điều kiện sản xuất tại các vùng đất chuyên lúa trên địa bàn tỉnh. Mô hình không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận bình quân của mô hình đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, sau hai vụ triển khai nuôi, vấn đề đầu ra cho con cá sau thu hoạch vẫn là bài toán khó cho người nông dân. Nhất là khi mô hình được áp dụng rộng rãi, nhiều địa phương cùng trồng lúa và nuôi cá, sản lượng cá mỗi khi vào vụ thu hoạch sẽ tăng lên gấp nhiều lần, thị trường mua bán nhỏ lẻ tại các chợ chắn chắn sẽ không thể tiêu thụ hết được.
Ngọc Diệp