Thách thức tăng trưởng bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo dự báo của FAO, sản lượng thủy sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, với điểm sáng là các nước châu Á; nhưng cũng phải đối mặt không ít thách thức, khó lường nhất là hiểm họa tự nhiên như El Nino – được cho là sẽ tiếp tục tác động mạnh tới ngành thủy sản vào năm 2016.

Nhu cầu tăng

Tìm ra nguồn cung thực phẩm bền vững cho 9 tỷ người tới năm 2050 là một thách thức lớn với toàn thế giới. Trong khi, thủy sản chiếm tới 16% lượng protein đạm động vật được tiêu thụ trên toàn cầu, do đó, sản phẩm này trở thành hy vọng cho vấn đề an ninh lương thực đang nan giải. Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) có sự tăng trưởng ngoạn mục trong vài thập kỷ qua, giúp mang lại nhiều thực phẩm cho con người. Nhiều quốc gia đã chú trọng đầu tư NTTS bằng công nghệ mới, an toàn, thân thiện môi trường. Nhưng tìm ra  nguồn cung thủy sản bền vững, không phá hủy môi trường tự nhiên vẫn luôn là thách thức lớn nhất.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều vị lãnh đạo các tập đoàn thủy sản hùng mạnh nhất toàn cầu chia sẻ ước muốn tiếp cận các nguồn cung hoặc kênh phân phối thủy sản đáng tin cậy và bền vững môi trường. Chính sự kết nối nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao với các nguồn lợi của các khối sản xuất tư nhân dựa trên cơ sở nguồn cung bền vững, uy tín đã mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Đây cũng là động lực thúc đẩy những nước đang phát triển buộc phải thay đổi cách thức sản xuất.

Xét theo khu vực, Trung Quốc sẽ tác động nhiều nhất tới thị trường thủy sản toàn cầu những năm tới. Theo nghiên cứu của FAO và WB, tới 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 37% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu; trong đó, 17% thủy sản khai thác và 57% thủy sản nuôi, còn lượng tiêu thụ thủy sản tại nước này sẽ chiếm 38% tổng thủy sản được tiêu thụ toàn cầu. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tại Nhật, Mỹ Latinh, châu Âu, Trung Á và Nam sa mạc Sahara sẽ giảm nhưng không ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu; bởi, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này vẫn tăng 30% từ năm 2010 tới năm 2030 cùng với tốc độ tăng dân số khoảng 2,3%.

thách thức tăng trưởng bền vững

Sản lượng và tiêu thụ thủy sản của một số khu vực (1.000 tấn) –  Nguồn: FAO 2014

 

Châu Á làm chủ

FAO dự báo sản lượng thủy sản tự nhiên sẽ không khả quan nên áp lực gia tăng sản lượng đặt lên vai ngành NTTS. Tổng sản lượng thủy sản nuôi sẽ đạt 96,4 triệu tấn vào năm 2024, tăng 26,4 triệu tấn so mức trung bình của năm 2012 – 2014. Các nước đang phát triển tiếp tục giữ vị trí thống trị ngành NTTS và chiếm 95% tổng sản lượng. Trong đó, châu Á vẫn là mắt xích quan trọng nhất trong ngành này, với tổng sản lượng vượt 89% tới năm 2024. Riêng sản lượng thủy sản của Trung Quốc sẽ chiếm 62% tổng sản lượng thế giới. Đồng nghĩa, trong tổng số 30 triệu tấn thủy sản toàn cầu tăng vọt vào năm 2024, châu Á sẽ góp 25 triệu tấn.

Ngoài châu Á, Mỹ Latinh cũng được coi là điểm sáng kế tiếp trên bản đồ NTTS thế giới, đặc biệt là Brazil do đầu tư vào NTTS ngày càng được coi trọng. Châu Phi cũng sẽ mở rộng lĩnh vực NTTS, sản lượng ước tính tăng 36%, đạt 2,2 triệu tấn. Khu vực này cũng được đánh giá là thị trường tiêu thụ tiềm năng nhờ sức tăng trưởng kinh tế tốt đi kèm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển NTTS.     

 

Hiểm họa tự nhiên

Sản lượng khai thác tự nhiên được dự báo là sẽ không tăng cao và tăng nhanh trong những năm tới, do hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, đặc biệt trong năm 2016 và năm 2021. Trong 2 năm này, các chuyên gia thời tiết dự báo El Nino sẽ tác động mạnh nhất và khiến sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên giảm 2%; trong đó, sản lượng cá cơm Peru và Chilê sẽ giảm mạnh nhất.

Tỷ lệ cá khai thác tự nhiên được sử dụng để chế biến bột cá sẽ chiếm 16% vào năm 2024, thấp hơn 2% so với năm 2012 – 2014 do nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm cho con người ngày càng gia tăng. Tính tới năm 2024, sản lượng bột cá và dầu cá lần lượt đạt 5,1 triệu tấn và 1,1 triệu tấn. Cũng trong năm này, sản lượng bột cá sẽ tăng cao hơn sản lượng trung bình năm 2012 – 2014 khoảng 9%, nhưng 48% sản lượng bột cá tăng nhờ vào các nguồn nguyên liệu bền vững như các phụ phẩm bỏ đi trong quá trình chế biến cá cho con người. Rõ ràng, đây là cách hạn chế những thiệt hại từ hiểm họa tự nhiên, lại có nguồn cung bột cá bền vững. Tuy nhiên, sự thay đổi thời tiết cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động NTTS; do đó, đối mặt hiện tượng này để sản xuất an toàn và bền vững vẫn luôn là bài toán khó.

>> Theo FAO, tới năm 2030, sản lượng thủy sản nuôi chiếm 62%, vai trò của thủy sản tự nhiên dần mờ nhạt và sau năm 2030, ngành NTTS sẽ thống trị toàn bộ nguồn cung thủy hải sản tương lai.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!