HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, xã Quảng Nham (Quảng Xương), được thành lập tháng 6-2016. HTX có 60 ha nuôi ngao với 25 hộ thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động.
Khu nuôi tôm giống tại HTX nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương).
Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí thu nhập của các thành viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/thành viên/tháng. Theo các xã viên, HTX được thành lập chính là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại địa phương làm quen với phương thức sản xuất tập trung, liên kết và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thơm, giám đốc HTX, cho biết: HTX NTTS Hợp Thành, không chỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi thả cá từ việc lựa chọn, ương cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi… đến việc chủ động phòng bệnh cho cá mà còn tổ chức những chuyến tham quan mô hình và kết hợp với trạm khuyến nông huyện tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi thả cho người dân. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã góp phần hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các biện pháp thâm canh cho người dân. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế.
Không chỉ hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi thả, hình thành tập quán sản xuất thủy sản mới mà các HTX NTTS còn đẩy mạnh cung ứng, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Dù mới được thành lập từ tháng 4-2017 nhưng HTX dịch vụ NTTS Quảng Chính (Quảng Xương) bước đầu đã thể hiện được vai trò tạo sự liên kết, thống nhất giữa các hộ thành viên từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tiến hành lựa chọn, bầu những thành viên có kinh nghiệm NTTS lâu năm vào các tổ bảo nông, tổ sản xuất giống, tổ tiêu thụ sản phẩm để thực hiện tốt các khâu dịch vụ. Đồng thời, đầu tư 670 triệu đồng xây dựng văn phòng làm việc và phân trại sản xuất tôm giống tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để bảo đảm cung ứng nguồn giống với số lượng và chất lượng ổn định cho các hộ thành viên. Từ cách làm chặt chẽ, sáng tạo đó, trong vụ xuân hè 2018, sản lượng NTTS của HTX đạt 200 tấn, doanh thu 17 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hiếu, thôn Đại Đồng, cho biết: Từ thành công bước đầu trong năm 2018, vụ xuân hè năm nay với 2 ha nuôi trồng, gia đình dự kiến thả tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá đối nục với khoảng 9 triệu con giống các loại. Gia đình và các hộ nuôi trong xã đều yên tâm có HTX làm “điểm tựa” trong các khâu cung cấp giống, điều hành nước, các hộ thành viên thiếu vốn còn được mua giống, thức ăn theo hình thức trả chậm và sản phẩm được HTX thu mua tiêu thụ ổn định.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX NTTS chính là một hướng đi mới để định hướng người dân phát triển nghề NTTS theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Từ một số mô hình hiệu quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 HTX NTTS tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, mỗi HTX có quy mô liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha NTTS. Các HTX ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là đầu mối ký kết hợp đồng dịch vụ từ đầu vào đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời giúp các hộ dân tiếp cận chính sách của Nhà nước thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của các HTX NTTS chưa đạt được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, các ban, ngành trong tỉnh thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX NTTS nói riêng phát triển.
Lê Hòa
Theo Báo Thanh Hóa