Thừa Thiên – Huế: Hướng đi bền vững cho nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế liên tiếp bị dịch bệnh khiến người dân thua lỗ, nhiều ao đầm bỏ hoang. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng cần phải có một hướng đi hợp lý, bài bản để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát.

Dịch bệnh hoành hành

Mặc dù là người đã có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm, thế nhưng, ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) vẫn e ngại khi bước vào vụ nuôi tôm mới trên cát ven biển. Bởi ngay chính bản thân ông Kháng cũng không còn tự tin rằng vụ nuôi tôm mới sẽ thắng lợi, khi nhiều vụ nuôi liên tiếp gần đây đều bị thiệt hại nặng do dịch bệnh hoành hành. 

Nuôi tôm trong ao tròn nổi là lựa chọn thích hợp ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Ảnh: Hoàng Thế

“Từ 3 năm nay, tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát liên tục xảy ra dịch bệnh. Các loại bệnh thường gặp như đốm trắng, đen mang, hoại tử gan tụy… Tính riêng ba vụ liên tiếp gần đây, vụ nào cũng bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi còn thua lỗ hàng trăm triệu đồng trở lên/vụ. Cứ xuống giống vài ngày là tôm bị dịch bệnh, chết. Cũng có ao tôm nuôi kéo dài được vài tháng rồi nổi đầu, chết hàng loạt”, ông Kháng chia sẻ thêm.

Theo ngành chức năng địa phương, nguyên nhân khiến dịch bệnh hoành hành trên tôm những năm qua là do phương thức, mô hình nuôi tôm tự phát của người dân không còn phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, diện tích nuôi lớn, mật độ nuôi quá dày nhưng hầu hết các ao nuôi chỉ sử dụng một dàn quạt, máy sục khí thô sơ nên không đảm bảo cung cấp đủ ôxy tôm sinh trưởng. Người nuôi chưa có sự liên kết, hợp tác với nhau làm ăn nên không đủ nguồn lực đầu tư thiết bị, công nghệ mới, tái đầu tư nuôi sau khi bị dịch bệnh. Cùng đó, nguồn giống phục vụ sản xuất tại chỗ hiện nay chưa có, hầu hết phải mua từ các tỉnh, thành phía Nam, trong quá trình vận chuyển ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm giống. Mặt khác, khi con giống vừa về đến thì người dân thả ngay, không qua khâu ương dưỡng, kiểm dịch bằng máy PCR để xử lý dịch bệnh trước khi thả nuôi. Đây chính là một trong những yếu tố bất lợi dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm.

Công nghệ là tất yếu

Trước thực tế trên, tại một số vùng như Ngũ Điền, Phú Lộc…, ngành nông nghiệp cùng các địa phương và một số hộ dân đã triển khai thí điểm thành công mô hình nuôi tôm bằng ao tròn nổi ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này với nhiều ưu điểm như dễ quản lý, xử lý môi trường trong ao nuôi, tôm ít xảy ra dịch bệnh và đạt năng suất cao, chất lượng, kích cỡ sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của thị trường. Thế nhưng, đến nay, nhiều người nuôi tôm trên cát vẫn còn bảo thủ, không chịu tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi mới. Phần lớn hộ nuôi không chấp hành các quy định nuôi tôm trên cát như không có ao lắng, xử lý môi trường nước cấp trước khi đưa vào ao nuôi. Quá trình nuôi, chăm sóc tôm còn thiếu kiến thức, không có quy trình bài bản…

Do đó, để phát triển nuôi tôm trên cát một cách bền vững, hiệu quả, cần phải có một hướng đi hợp lý. Trước hết, người dân phải biết học tập, ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, điển hình là nuôi tôm bằng ao tròn nổi đã được ngành thủy sản, khuyến nông ứng dụng sản xuất thành công từ mấy năm nay.

Đặc biệt, người nuôi cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất để đảm bảo có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, dàn quạt, máy tạo ôxy, xử lý môi trường, chất thải, ao hồ xử lý nước cấp, nước thải, máy kiểm dịch giống… Cùng đó, phải chấp hành nghiêm các quy định nuôi tôm an toàn sinh học. Trong quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, hóa chất, thuốc kích thích sinh trưởng mà thay bằng chế phẩm sinh học, chọn lựa các loại thức ăn chất lượng đảm bảo tôm sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường của tôm. Khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh, người dân phải báo ngay đến Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

“Tại vùng cát ven biển Ngũ Điền cũng như các vùng khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn toàn có thể nuôi tôm quanh năm, kể cả mùa nắng nóng nếu có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp”, TS Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế khẳng định.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!