Thủy sản nuôi bế tắc đầu ra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chưa kịp phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần đầu, ngành thủy sản lại tiếp tục gặp khó khi đại dịch tái bùng phát, khiến cho người nuôi trồng thủy sản đuối sức hoàn toàn. Thị trường bế tắc, thủy sản nuôi ùn ứ và bị “bạc đãi”.

Nhuyễn thể phải đổ bỏ

Thời gian gần đây, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thường xuyên diễn ra cảnh người nuôi ngao hai cùi đổ bỏ xuống biển sau thu hoạch. Nguyên nhân là do ngao không bán được, giá cả quá thấp. Theo một người nuôi ngao, ngao hai cùi sau khi thu hoạch nếu không bán được thì người nuôi cũng không thể thả nuôi trở lại vì khá phức tạp và tốn nhiều công lao động. Hiện nay, ngao to loại 30 con/kg chỉ có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, không đủ chi phí ban đầu.

Ngao hai cùi là đối tượng nuôi giá trị cao, lợi nhuận hấp dẫn nên hiện có nhiều người nuôi, số lượng ngao quá lớn khiến nguồn thức ăn trở nên ít ỏi khiến ngao chậm lớn. Nhiều hộ nuôi ngao đến hai năm nhưng kích thương vẫn nhỏ. Cộng thêm dịch Covid-19 khiến thương lái thu mua giảm mạnh. Tình hình tiêu thụ cũng rất mờ mịt bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngao không thể xuất khẩu được, tiêu thụ trong nước khó khăn do du lịch bị hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ nuôi ngao ở huyện Vân Đồn phải đổ bỏ xuống biển.

Tôm hùm mất giá

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cho đầu ra của tôm hùm gặp rất nhiều khó khăn, giá tôm hùm giảm rất mạnh. Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), tôm hùm được mua “xô” với giá 80.000 đồng/kg. Với mức giá này so với 5 tháng trước, tôm hùm loại 1 giảm tới 700.000 đồng/kg.

Tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), giá tôm hùm cũng giảm thê thảm. Hiện tôm hùm bông loại 1 (từ 1 kg/con) được thương lái mua với giá khoảng 800.000 đồng/kg, tôm hùm xanh còn khoảng 450.000 – 600.000 đồng/kg. Đây là lần thứ hai tôm hùm bị giảm giá sâu trong năm nay.

Giá xuống quá thấp nên nhiều người nuôi tìm cách giữ tôm lại không bán. Để giảm chi phí, người dân giảm bớt khẩu phần ăn của tôm từ 1/3 đến một nửa so với trước, đồng thời nuôi thêm hàu cho tôm ăn. Đây là giải pháp tạm thời để kéo dài thời gian nuôi, chờ giá tôm tăng trở lại.

Cá mú bị “bỏ đói”

Hiện nay, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), hàng chục tấn cá mú không thể xuất bán, giá cá rớt thê thảm, nhiều người nuôi buộc phải chọn giải pháp để cá nhịn đói.

Ông Nguyễn Văn Khạo, người nuôi cá mú ở phường Cam Phúc Nam, cho biết, dù đã đến thời điểm thả nuôi vụ tiếp trong năm, thế nhưng cá vụ trước vẫn chưa tiêu thụ hết, hiện ao nuôi của ông còn tồn hơn 1.000 con cá thương phẩm, tổng trọng lượng khoảng 2 tấn. Hiện cá đã quá lứa, giá bán chỉ còn 90.000 đồng/kg nhưng cũng không xuất được, trong khi thời điểm này năm ngoái giá cá ở mức 260.000 – 280.000 đồng/kg.

Thảm hơn, gia đình anh Hồ Hóa Hải (xã Cam Thịnh Tây) có 2 ha nuôi cá mú. Từ đầu năm đến nay anh Hải mới bán được 2 tấn cá, còn tồn khoảng 5 tấn. Anh Hải cho biết, cá càng lớn càng mất giá, hiện nay, anh buộc phải bỏ đói cá, giảm lượng cho ăn xuống còn 1 tuần/lần.

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh, cho biết, toàn thành phố có hơn 100 đìa và 5.000 ô lồng nuôi cá mú, toàn thành phố hiện tồn gần 70 tấn cá. Với giá bán ở mức 80.000 – 100.000 đồng/kg như hiện nay thì người nuôi cá lỗ nặng, bởi giá thành nuôi cá mú lên tới 120.000 đồng/kg. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị tham gia giải cứu cá mú, tuy nhiên, số lượng chưa được là bao.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!