T7, 10/02/2024 08:00

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm năm 2023

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 thế giới, chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của thế giới. Kết quả này có được là nhờ sự góp sức không nhỏ của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

  1. Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) 

Thành lập từ năm 1978 cho đến nay, Stapimex là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam về chế biến và xuất khẩu tôm, đặc biệt là tôm sú. Công ty dự trình kế hoạch kinh doanh sản xuất cho nhiệm kỳ 2023 – 2025: Sản lượng tôm đông lạnh với 90.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến 1.020 triệu USD. Lợi nhuận cho 3 năm đạt 1.500 tỷ đồng. Năm 2023, Stapimex đặt mục tiêu sản lượng thành phẩm sản xuất 30.000 tấn, trong đó Xí nghiệp Tân Long 12.000 tấn và Xí nghiệp An Phú đạt 18.000 tấn. 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu của Stapimex đạt 275,783 triệu USD. 

  1. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú 

Là một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035, giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador. 11 tháng đầu năm 2023, Minh Phú ghi nhận giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 223,873 triệu USD, là doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành tôm Việt Nam. Dự báo doanh thu thuần và lãi ròng của Minh Phú trong năm 2024 lần lượt đạt 16.622 tỷ đồng và 832 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 63% và 142% so năm 2023. 

  1. Công ty CP Chế biến Thủy sản Minh Phú – Hậu Giang 

Là thành viên của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Công ty được thành lập ngày 18/11/2013 trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phú – Hậu Giang. Công ty hiện sở hữu nhà máy có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á về chế biến thủy sản. Minh Phú không chỉ chú trọng vào công nghệ dây chuyền sản xuất, mà còn tập trung nâng cấp toàn bộ hệ thống nguồn điện cho các cơ sở sản xuất, bắt đầu bằng giải pháp UPS-3 pha cho máy phân loại tôm của nhà máy thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu là 500 triệu USD. 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 181,764 triệu USD. 

  1. Công ty CP Thực phẩm Sao Ta 

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta vừa cho biết, tính chung cả năm 2023, doanh số tiêu thụ đạt 200,6 triệu USD, giảm 11,3% so mức thực hiện của năm 2022 và hoàn thành 100% so kế hoạch doanh số 200 triệu USD. Trong đó, sản lượng tôm tiêu thụ thành phẩm đạt 17.407 tấn, giảm 3,7% so năm 2022. Hiện, Công ty đang hoàn thiện công tác vận hành tại hai nhà máy mới: Tam An và Sao Ta 2 với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/ngày. Trong đó, nhà máy Tam An và Sao Ta 2 đã vận hành lần lượt được 20% và 2% công suất thiết kế. Theo dự báo, doanh thu thuần và lãi ròng của Sao Ta trong năm 2024 có thể lần lượt đạt 6.259 tỷ đồng và 340 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 28% và 22% so năm 2023. 

  1. Công ty CP Chế biến và dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) 

Là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu tại tỉnh Cà Mau, CASES sở hữu hệ thống máy móc thiết bị với công suất chế biến từ 1.000 – 1.200 tấn thành phẩm thủy sản xuất khẩu (chủ đạo là tôm) trên 1 tháng có chất lượng tốt theo yêu cầu của khách hàng. Những năm qua, CASES luôn thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, chủ động ứng dụng các trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất. 11 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 165,095 triệu USD. 

  1. Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước 

Tại Đại hội cổ đông thường niênnăm 2023, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 2.300 – 3.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 100 – 130 triệu USD; sản lượng xuất khẩu phấn đấu từ 8.500 – 11.500 tấn; lợi nhuận trước thuế từ 20 – 25 tỷ đồng. Để gia tăng xuất khẩu, Công ty cho biết, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, Công ty sẽ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ tôm, tranh thủ, tận dụng các Hiệp định thương mại nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty nghiên cứu mở rộng thêm các sản phẩm chiều sâu có giá trị tăng cao. 11 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thuận Phước đạt 111,845 triệu USD. 

  1. Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh 

Là một trong những doanh nghiệp tôm lớn tại tỉnh Sóc Trăng, sản phẩmchính của Công ty là tôm sú, TTCT, tôm hồng, tôm sắt chế biến sống và chín, nobashi, sushi, chiên sẵn, tẩm bột, các mặt hàng còn nguyên vỏ… Sản phẩm được đóng gói theo block, IQF, semi IQF, hút chân không, khay, màng co… với công suất lên đến 30.000 tấn/năm. Thị trường chính của Công ty là Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, UAE, Singapore, Philippines… 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Công ty đạt 96,612 triệu USD. Cùng với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lớn tại Sóc Trăng, Tài Kim Anh đã xây dựng cho riêng mình vùng nuôi tôm để dễ truy xuất nguồn gốc, đạt chứng nhận quốc tế rộng hàng trăm ha. 

  1. Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina CleanFood) 

Được thành lập năm 2010, đến nay Vina CleanFood đã khẳng định được vị thế riêng của mình. Với tầm nhìn chiến lược: Nguyên liệu, công nghệ và nguồn nhân lực đảm bảo phát triển bền vững là 3 vấn đề luôn được Công ty quan tâm hàng đầu. Ngay từ khi thành lập, Công ty đã thiết lập quy trình sản xuất dựa trên hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000: 2005; BAP 2 STARS; GLOBALGAP; FRIENDS OF THESEA từ sản phẩm đầu tiên. Đến nay, thương hiệu của Công ty đang trở thành biểu tượng của chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thủy sản sạch của Việt Nam, đồng thời tạo được uy tín và sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng trong những năm qua. 11 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu là 83,398 triệu USD. 

  1. Công ty CP Hải Việt (Havico) 

Công ty CP Hải Việt được thành lập năm 1991, là thành viên của VASEP. Trải qua lịch sử phát triển hơn 30 năm trong ngành thủy sản, Havico đã khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường hải sản Việt Nam cũng như quốc tế. Trong nhiều năm liền, công ty luôn dẫn đầu về giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với công nghệ sản xuất cao, các sản phẩm của Công ty đều đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. 11 tháng năm đầu 2023, Công ty ghi nhận giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 65,644 triệu USD. 

  1. Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận 

Thành lập năm 1999, trụ sở chính tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành tôm. Năm 2023, Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận tại Ninh Thuận đã xuất khẩu tôm đông lạnh sang thị trường Đức và Nhật Bản. Năm 2023, Công ty này phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trị giá 120 triệu USD. 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu của Thông Thuận đạt 60,533 triệu USD. 

Vân Anh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!