T6, 06/01/2023 01:38

Trăm năm “mở biển”

Chưa có đánh giá về bài viết

Khi mùa xuân chạm ngõ, đại dương thưa vắng dần những đợt sóng bạc đầu hung hãn của mùa biển động, cũng là lúc ngư dân ở nhiều làng biển bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị sửa soạn lễ vật để tổ chức lễ hội cầu ngư, cúng cá Ông… với ước nguyện, mong cầu những chuyến “mở biển” đầu năm bình an, may mắn.

Huyền tích cá Ông “lụy bờ”

Trong căn nhà nhỏ nằm ở giữa làng biển Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, lão ngư Phan Thanh Sỏ (77 tuổi) say sưa kể cho tôi nghe về những phong tục, tập quán, lễ hội của làng biển Mỹ Thủy có tuổi đời hơn 700 năm, vẫn còn lưu truyền, tồn tại cho đến tận bây giờ.

lễ hội cầu ngư

Lễ hội cầu ngư ở làng biển Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng – Ảnh: H.A

Theo lời kể của ông Sỏ, ngư dân các làng biển vùng cửa lạch, vùng biển bãi ngang dọc từ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho đến tận xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vẫn xem tục thờ cúng cá Ông (cá voi, hố rồng) là truyền thống tín ngưỡng tâm linh đã trải qua hàng trăm mùa “mở biển”.

Đến tận bây giờ, ngư dân miền biển vẫn lưu truyền bao câu chuyện về sự cứu giúp của cá Ông mang màu sắc ly kỳ, huyền bí; những lần cá Ông “lụy bờ” (dạt vào bờ) được ngư dân chôn cất bằng lễ nghi tôn kính nhất. Ví như giữa lúc giông tố mù trời, chính loài cá Ông thường xuất hiện để đưa ngư dân cũng như thuyền bè vào bờ an toàn.

Đáp lại ân tình của loài cá Ông, ngư dân miền biển khi gặp cá Ông dính vào lưới sẽ nhẹ nhàng dìu cá Ông vào bờ. Ngư dân vẫn mặc định với quan niệm, khi gặp cá Ông dính vào lưới hoặc chết rồi “lụy bờ”, đó là điềm lành, là phúc đến, bởi làng biển ấy được cá Ông chọn làm nơi yên nghỉ và được cá Ông tin tưởng phó thác việc an táng.

Ngày xưa, những lần cá Ông dính vào lưới hoặc chết rồi “lụy bờ”, các bô lão cao niên trong làng biển sẽ tổ chức họp, sau đó huy động thanh niên trai tráng trong làng đến bờ biển để đưa cá Ông lên bờ. Cũng trong ngày hôm ấy, các bô lão cao niên của làng bắt đầu công việc tìm mảnh đất cao ráo, gần biển để lập đàn cúng tế xin với thần linh, thổ địa được an táng cá Ông. Nơi an táng cá Ông phải có địa hình thoáng đãng, hướng nhìn ra biển.

Nghi thức an táng cá Ông phải tiến hành như đối với nghi lễ của bậc trưởng lão uy tín trong làng khi qua đời. Nghi lễ thường diễn ra linh đình trong 3 ngày. Ngày đầu tiên làng sẽ lập tang chủ, hội đồng hộ lễ, tắm gội rồi bọc xác cá Ông bằng vải điều đỏ, sau đó nhập quan, thiết linh sàng, cúng cơm…; ngày thứ hai sẽ làm lễ tế và đến ngày thứ ba thì đưa đám, cúng hậu thổ nghi tiết, hò bá trạo đưa linh… sau đó là hạ huyệt.

Ba ngày sau, dân làng sẽ tiếp tục làm lễ mở cửa mả… Ba năm sau thì làm lễ cải táng, lấy xương xếp vào quách để đưa vào nghĩa địa cá Ông của làng. Trong những ngày diễn ra lễ tang cá Ông, các làng chài bạn mang lễ vật đến phúng điếu cũng như góp tiền lo tổ chức đám cho cá Ông.

Hằng năm, cứ đến tết Nguyên đán, làng làm lễ tạ linh đình để cầu mưa thuận, gió hòa, biển được mùa tôm, cá…Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông thể hiện tình cảm của ngư dân xưa đối với biển cả đã hào phóng cho họ cá, tôm. Qua đó còn thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân các vạn chài nơi đầu sóng, ngọn gió…

“Đến bây giờ, khi cá Ông dính lưới hay “lụy bờ”, ngư dân miền biển làm lễ an táng đơn giản hơn ngày xưa. Nhiều nghi lễ được rút gọn và lễ an táng cá Ông chỉ tổ chức gói gọn trong ngày. Nhưng không phải vì vậy mà ngư dân miền biển mất đi sự tôn kính cá Ông. Ở làng Mỹ Thủy hiện có miếu thờ cá Ông được dân làng thờ cúng tôn nghiêm.

Ngư dân vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng thường cúng cá Ông vào dịp lễ “mở biển” đầu năm. Lễ “mở biển” được tiến hành trong khoảng thời gian từ mùng 4-8 tháng Giêng (âm lịch). Lễ bắt đầu bằng việc rước thần biển, cá Ông linh thiêng vào đình làng. Từ sáng sớm tinh mơ của một “ngày tốt” được ấn định, các vị bô lão, chức sắc cùng đông đảo ngư dân trong làng tề tựu về đình làng để làm lễ cúng thổ thần đất đai.

Sau đó, các vị bô lão, chức sắc sẽ lên tàu, thuyền ra biển (cách bờ khoảng 1 – 2 hải lý) để làm lễ rước thần biển, cá Ông về đình làng. Tiếp đó là lễ cúng tạ ơn thần biển, cá Ông tại đình làng để khẩn cầu được bình yên trong những chuyến ra khơi của ngư dân.

Sau lễ cúng thần biển, cá Ông, tất cả ngư dân trong làng sẽ tùy theo điều kiện của từng gia đình để làm lễ cúng thuyền, cúng bến trước khi thực hiện chuyến khởi hành “mở biển” đầu năm”, lão ngư Phan Thanh Sỏ chia sẻ.

Độc đáo lễ hội cầu ngư

Làng biển Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, có tuổi đời hơn 700 năm. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng Giêng (âm lịch), dân làng lại tất bật chuẩn bị cho lễ cầu ngư “mở biển” đầu năm. Lễ hội cầu ngư của làng Thâm Khê có từ xa xưa, từ lúc lập làng.

Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ ngư dân vẫn tiếp nối truyền thống và tổ chức hội cầu ngư vào dịp rằm tháng Giêng. Qua lễ hội này, ngư dân miền biển kỳ vọng một năm mới đánh bắt được nhiều cá, tôm.

ngư dân

Ngư dân làng biển Mỹ Thủy trở về từ biển khơi – Ảnh: H.A

Lão ngư Trương Minh Quê (72 tuổi) cho biết, từ trước tết Nguyên đán, các bô lão đại diện cho các họ tộc trong làng Thâm Khê đã họp mặt để bàn bạc chuẩn bị lễ cầu ngư. Chiều hôm trước ngày diễn ra lễ cầu ngư, trai tráng trong làng Thâm Khê sẽ xuống bờ biển để dựng rạp cũng như làm nhiều công việc khác chuẩn bị cho lễ cầu ngư.

Từ sáng sớm ngày rằm tháng Giêng (âm lịch), các bậc cao niên đại diện cho các họ tộc của làng Thâm Khê có mặt đông đủ để sửa soạn đồ lễ dâng cúng. Lễ cầu ngư sẽ có các phần lễ như: Lễ tế giang sơn, lễ tế thập loại cô hồn, lễ nghinh thần, lễ tạ dâng âm hồn… để khẩn cầu mưa thuận gió hòa; ngư dân bình yên trong những chuyến ra khơi mà đánh bắt đầy khoang thuyền tôm, cá.

Sau phần lễ cầu ngư là đến phần hội đấu vật truyền thống. Hội đấu vật truyền thống hiện tại chỉ còn lại trong lễ hội cầu ngư của làng Thâm Khê. Hội này thu hút sự tham gia của hàng chục đô vật cùng đông đảo người dân đến xem, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày đầu năm mới. Hình thức đấu vật diễn ra theo trình tự từ lứa tuổi nhỏ đến lớn. Nếu đô vật nào có 4 lần thắng liên tiếp thì được vào vòng chung kết.

Sau khi chọn được 4 đô vật xuất sắc vào vòng trong sẽ tiến hành lượt đấu tìm ra 2 đô vật vào đấu chung kết và chọn ra người xuất sắc nhất để trao giải. Giải thưởng có giá trị không cao nhưng mang ý nghĩa tinh thần thượng võ của người dân miền biển.

Lão ngư Phan Thanh Sỏ ở làng biển Mỹ Thủy cho biết thêm, lễ cầu ngư ở làng Mỹ Thủy cũng diễn ra trang trọng đúng vào ngày rằm tháng Giêng (âm lịch) như ở làng Thâm Khê. Nhưng lễ hội cầu ngư ở làng biển Mỹ Thủy hiện tại chỉ giữ lại phần lễ cầu ngư, còn phần hội đấu vật truyền thống không còn nữa.

Ngay sau phần nghi lễ thành kính dâng hương, lễ vật kính cáo trời đất, thần biển, các bô lão làng biển Mỹ Thủy sẽ khấn nguyện cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cho dân làng có được sức khỏe dồi dào để học tập, làm ăn thuận lợi, bám biển làm giàu, xây dựng quê hương khởi sắc, ấm no. Kết thúc buổi lễ cầu ngư, các đội thuyền của làng biển Mỹ Thủy sẽ ra khơi “mở biển” với khí thế đầy phấn chấn…

Lễ hội cầu ngư, cúng cá Ông cùng nhiều lễ hội khác đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo tồn tại hàng trăm năm qua ở các làng biển. Đây là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với biển khơi và cầu mong mưa thuận gió hòa, khoang thuyền đầy ắp tôm, cá…

Chính những lễ hội văn hóa đặc sắc cũng như nghi thức mang đậm tín ngưỡng của ngư dân miền biển này đã góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong những mùa xuân mới.

Hải An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!