Trung Quốc: Biến than đá thành protein thức ăn chăn nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau khi nghiên cứu hàng nghìn mẫu, các nhà khoa học Trung Quốc đã lựa chọn than đá, một nguyên liệu sẵn có và rẻ tiền để sản xuất protein cho ngành thức ăn chăn nuôi.

Sản xuất protein thức ăn chăn nuôi từ than đá là một phương pháp mới, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Ảnh Dall-E

Nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang gia tăng chóng mặt do nhu cầu mở rộng sản xuất thực phẩm trong bối cảnh bùng nổ dân số toàn cầu. Trước thực trạng này, các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực nghiên cứu và tạo đột phá khi tìm ra cách thức biến đổi than đá thành protein. 

Phương pháp cải tiến này do Trung tâm Công nghệ sinh học Thiên Tân, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phát triển. Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng methanol nguồn gốc than đá để tạo ra protein giá rẻ và hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung nguyên liệu protein thức ăn chăn nuôi hiện nay. 

Mặc dù dẫn đầu thế giới về chăn nuôi heo và nuôi trồng thủy sản, Trung Quốc vẫn phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn protein nghiêm trọng. Quốc gia này phải nhập khẩu đến 80% nguồn đầu nành làm thức ăn chăn nuôi với khối lượng hơn 100 triệu tấn hàng năm. Đây là động lực thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm nguồn protein thay thế bền vững và tiết kiệm chi phí. 

Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thiên Tân, do giáo sư Wu Xin dẫn đầu, đã sử dụng phương pháp tổng hợp công nghệ sinh học để giải quyết thách thức thiếu hụt protein của ngành chăn nuôi Trung Quốc. Sau nhiều thử nghiệm, nhóm chuyên gia đã tìm ra ra quá trình lên men công nghiệp sử dụng methanol nguồn gốc than đá làm nguyên liệu thô. Đây là giải pháp hiệu quả về chi phí để thay thế quá trình sản xuất protein sinh tổng hợp truyền thống. 

Theo giáo sư Wu Xin chia sẻ, phương pháp mới tiết kiệm chi phí hơn so với phương pháp truyền thống. Với loại nấm men Pichia pastoris (P. pastoris) phát triển hiệu quả bằng methanol, nhóm nghiên cứu đã đạt tỷ lệ chuyển đổi 92% giá trị lý thuyết, thu nhận lượng tế bào khô và hàm lượng protein lần lượt là 120g/lít và 67,2%. 

Tỷ lệ chuyển đổi cao là tiêu chí đánh giá phương pháp sản xuất protein bằng than đá khả thi về mặ kinh tế. Ngoài ra, quy trình này không cần đất canh tác, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, đồng thời hiệu quả hơn hẳn so với các phương pháp canh tác nông nghiệp truyền thống. Tiến sĩ Wu chia sẻ, protein từ than đá chứa đầy đủ các axit amin, vitamin, muối vô cơ, chất béo và carbohydrate. Do đó, loại protein này có khả năng thay thế bột cá, đậu nành, thịt và sữa trong nhiều lĩnh vực sản xuất. 

Nhóm nghiên cứu đang xúc tiến quy mô sản xuất công nghiệp với khối lượng hàng nghìn tấn protein thành phẩm. Tới nay, trên thị trường mới chỉ xuất hiện một số loại protein đơn bào tiềm năng, ví dụ KnipBio Meal của công ty KnipBio đã được FDA phê duyệt. Giáo sư Wu khẳng định, protein methanol có giá trị dinh dưỡng, chi phí sản xuất rẻ tiền chắc chắn sẽ là “ứng cử viên” sáng giá trong tương lai và chất lượng không thua kém so với các loại protein đơn bào hiện nay. 

Tuấn Minh

(Theo Newatlas)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!