(TSVN) – Ngày ngày 24/8, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật Bản sau khi chính quyền Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân đầu tiên ra biển.
Trước đó, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt kế hoạch xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản. Tuy nhiên, đợt xả nước thải hạt nhân đầu tiên vẫn diễn ra theo kế hoạch của Tokyo vào chiều ngày 24/8. Bắc Kinh chỉ trích hành động này “cực kỳ ích kỷ, vô trách nhiệm, gây rủi ro cho toàn cầu và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai”.
Cục Hải quan Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm hải sản có xuất xứ Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa lệnh cấm sẽ có hiệu lực với các sản phẩm khác ngoài hải sản như muối và rong biển. Đại diện Hải quan Trung Quốc cho biết, động thái cứng rắn này nhằm ngăn chặn thực phẩm có nguy cơ nhiễm chất phóng xạ và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất của Nhật Bản năm 2022. Ảnh: AFP
Nhật Bản vẫn giữ vững lập trường về kế hoạch xả nước thải hạt nhân và khẳng định kế hoạch này an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và cần thiết để giải phóng không gian nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang bị tê liệt. Theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đợt xả đầu tiên bắt đầu vào lúc 1 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 24/8 với 200 m³ hoặc 210m³ nước thải đã qua xử lý. Từ ngày 25/8, Nhật Bản xả liên tục 456m³ nước thải đã xử lý trong thời gian 24 giờ. Như vậy, Tokyo sẽ xả tổng cộng 7.800 m³ nước thải hạt nhân trong 17 ngày tới. Nước thải cuối cùng sẽ được pha loãng với nhiều nước sạch nên có nồng độ chất phóng xạ rất thấp và đi qua một đường ống ngầm cách bờ biển 1 km để vào Thái Bình Dương.
Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay nước được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium. Nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống. Dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật gây nhiều tranh cãi.
Rất nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và các đảo Thái Bình Dương phản đối gay gắt kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản. Hiện, nhiều người tiêu dùng ở châu Á đang tích trữ muối và hải sản do lo ngại tình trạng ô nhiễm trong tương lai.
Trước khi thông báo về lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào ngày 24/8, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết hành động xả nước thải của Nhật Bản sẽ gây rủi ro cho toàn thế giới và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Các trang mạng xã hội sục sôi và giận dữ trước hành động của Nhật, thậm chí nhiều người dùng mạng kêu gọi chính quyền mạnh tay hơn bằng cách tẩy chay tất cả các sản phẩm của Nhật Bản. Ngày 21/8, Hồng Kông đã thông báo lệnh cấm tương tự với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Hiện, Trung Quốc và Hồng Kông đều là hai thị trường xuất khẩu hải sản lớn nhất của Nhật Bản.
Tuấn Minh
(Theo Reuters)