Trung Quốc: Dịch bệnh tàn phá ngành tôm miền Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nông dân nuôi tôm ở miền Nam Trung Quốc đang phải đối mặt các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Dịch bệnh ngày càng lây lan mạnh sang các vùng nuôi tôm sú, theo nguồn tin trong ngành và báo chí địa phương.

Nguy cơ mất trắng 

Tại huyện Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, 9 trên tổng số 10 trang trại nuôi tôm đã bị nhiễm dịch bệnh, 60% ao nuôi bị treo. Tại Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, báo chí địa phương cũng đã ghi nhận tình trạng nông dân điêu đứng vị dịch bệnh bùng phát khắp nơi. Tại Trạm Giang, thủ phủ ngành tôm Trung Quốc, nông dân thả nuôi hàng triệu tôm post nay chỉ còn lại 30.000 – 50.000 con. Theo Fish First, môi trường kém và thời tiết thay đổi là các tác nhân chính dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Cũng do tỷ lệ nhiễm cao, cùng những khó khăn trong phòng tránh và kiểm soát, những dịch bệnh do Vibrio trở thành một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất ngành tôm miền Nam Trung Quốc hiện nay. 

Dịch bệnh xuất hiện ngay sau khi nông dân bắt đầu xuống giống tại các ao ngoài trời vào cuối tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Theo Guangdong Haimeng, một doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và giống thuỷ sản, trong tháng 4/2022 tại Tân Hội, Quảng Đông, khoảng 30% mẫu tôm được thử nghiệm đã dương tính với virus Vibrio trong khi 8% dương tính EMS. Kerric China, một hãng dịch vụ xét nghiệm phòng lab đã phát hiện Vibrio trong 31 mẫu tôm được thử nghiệm trong tháng 4, trong đó 24% mẫu dương tính EHP và 20% dương tính với virus SHIV. 

Nhiều nông dân cho rằng nguyên nhân gây ra dịch bệnh là do tôm giống kém chất lượng từ các cơ sở sản xuất đã giả mạo nhãn hiệu tôm chất lượng cao để qua mắt người tiêu dùng. Hầu hết tôm post ở Đài Sơn được sản xuất từ dòng tôm bố mẹ Mokang. Tuy nhiên do tôm Mokang rất nổi tiếng, nên hầu hết các trại giống đều tự mạo nhận sản phẩm của họ là tôm post Mokang.  

Nhiều nông dân nuôi tôm tại miền Nam Trung Quốc có nguy cơ mất trắng vụ nuôi. Ảnh: Shutterstock

Ông Sun Longfang, một nông dân nuôi tôm cho biết ông không thể mua được tôm post Mokang sau khi nghe nói tôm này đạt hiệu suất nuôi tốt trong các hệ thống nhà màng vào mùa đông. Ông đã tìm đến nhiều trại giống để tìm mua tôm Mokang vào cuối tháng 4, nhưng không nơi nào bán. 

Nhiều trại giống cũng đang bị dịch bệnh tấn công ồ ạt, kéo theo nhiều hệ luỵ tới chuỗi sản xuất. Ông Zheng Weihong, một nông dân tại Da’ao cho biết Viện nghiên cứu thuỷ sản Châu Giang đã phát hiện mức độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong 11 ao trên tổng số 18 ao tại một trại giống đã vượt ngưỡng quy định mặc dù chưa phát hiện thấy dịch bệnh EMS. 

Một số ý kiến cho rằng mầm bệnh Vibrio gây dịch bệnh thuỷ tinh trên tôm đã được phát hiện vào đầu năm 2020, có thể đã lan sang các vùng nuôi khác, hoặc một loại virus Vibrio đột biến mới đã xuất hiện. Trại nuôi của Sun Longfang đang hợp tác với Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc để tổng hợp các tác nhân gây bệnh khác. Ông Wei Jixu, một nông dân nuôi tôm ở Trạm Giang, cũng cho biết, đợt bùng phát Vibrio trong năm nay không chỉ nghiêm trọng ở Đồng bằng Châu Giang mà còn ở toàn bộ miền Nam Trung Quốc. Nông dân tại các vùng này đang hết sức lo lắng.

Lan sang tôm sú

Tờ Agriculture Southern cho biết 80% nông dân tại Hải Nam đã chuyển sang nuôi tôm sú và ghi nhận tỷ lệ sống cao hơn. Ông Wang Ping, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Hải Nam, cho biết hầu hết các vùng nuôi thuỷ sản nước mặn tại các huyện Trường Giang, Chương Hoá, Lạc Đông phía Tây của đảo cùng nhiều địa phương khác đã chuyển sang nuôi tôm sú. Nông dân tại Đông Phương, Hải Nam cho biết năm ngoái hơn 90% trang trại tại đây đã chuyển sang nuôi tôm sú và đạt tỷ lê sống cao 90%. Tại tỉnh Phúc Kiến, 60% trại nuôi đã chuyển sang tôm sú. Trong khi đó tại Trạm Giang, sản lượng tôm sú đạt 5.000 kg/m2, và nông dân có thể thu về 200.000 – 300.000 CNY/m2 (29.678 – 44.517 USD). Dù được nuôi phổ biến nhưng tôm sú cũng dễ nhiễm bệnh. Vẫn theo Agriculture Southern, tỷ lệ sống của tôm post đã giảm đáng kể và dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi. 

Tỷ lệ thả nuôi tại các địa phương Chương Phố, Phúc Kiến, Trạm Giang, Quảng Đông, Bắc Hải, Quảng Tây và Hải Nam đều tăng mạnh, nhiều nông dân còn thả nuôi được hơn 2 vụ. Nhưng dịch bệnh liên quan đến Vibrio đang ngày càng lan rộng do các trại nuôi tôm sú phụ thuộc vào nguồn nước biển nhiều hơn tôm thẻ chân trắng. Không chỉ người nuôi tôm thẻ chân trắng đối diện nguy cơ mất trắng vụ nuôi, nông dân nuôi tôm sú cũng không mấy lạc quan về vụ thu hoạch năm nay. 

Vũ Đức

Theo Undercurrent News 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!