Trung Quốc: Sản xuất “hộp đen” cho tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Uptime, một thiết bị mới của hãng Zeal Industries tại Trung Quốc có thể cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hải sản và an toàn cho các tàu cá thương mại. Công cụ này vừa được trao giải Seafood Innovation Award 2023.

Từ mô hình “hộp đen” trên máy bay, ông Ben So, Giám đốc công ty Zeal Industries, một công ty khởi nghiệp tại Hồng Kông, Trung Quốc đã phát triển thiết bị tương tự cho tàu cá thương mại để tăng cường sự an toàn cho ngư dân và cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Công cụ của Zeal Industries truyền dữ liệu vị trí, nhiệt độ, và các yếu tố môi trường khác lên đám mây để hỗ trợ an toàn cho người lao động và truy xuất nguồn gốc hải sản. Ảnh: Maintainan and Cure 

Đầu năm 2023, ông So bắt đầu thử nghiệm công nghệ kết hợp giữa con quay, gia tốc, định vị toàn cầu GPS và cảm biến nhiệt độ không khí, áp suất cùng các điều kiện môi trường khác. Những công nghệ này đều tích hợp trên thiết bị có tên gọi Uptime với công dụng truyền dữ liệu và tích hợp đám mây. 

Theo nhà sản xuất, Uptime có khả năng cải thiện truy xuất nguồn gốc hải sản và tăng cường an toàn cho các tàu cá thương mại. Đối với các sự cố liên quan đến người trên tàu, Uptime truyền vị trí GPS và điều kiện môi trường qua vệ tinh. Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức an toàn FISH, Internet vệ tinh chi phí thấp là giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ tử vong của ngư dân trên biển. 

Zeal Industries đã hợp tác với các hãng cung cấp internet vệ tinh để thử nghiệm công nghệ. Dù đắt hơn internet mặt đất nhưng khả năng thu thập dữ liệu và gửi lên đám mây của Uptime được tăng cường với chi phí ước tính hàng tháng khoảng 60 USD, theo So. Zeal Industries đã triển khai thiết bị Uptime đầu tiên trên một số máy bay nhỏ. Bước tiếp theo, doanh nghiệp này sẽ giảm thiểu kích thước của thiết bị để phù hợp trong ứng dụng hàng hải. Dự kiến, thiết bị Uptime sẽ ra mắt thương mại vào cuối năm 2024. 

>> Nhiều năm qua, sự an toàn của ngư dân là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành đánh bắt hải sản. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1999 và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã ước tính số ca tử vong hàng năm trong khai thác cá dao động 24.000 – 32.000 người, tỷ lệ tương đương 65 – 87 ca tử vong mỗi ngày. Theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức an toàn FISH (FSF), hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến nghề cá mỗi năm, gấp 4 lần ước tính trước đó của FAO và ILO. FSF cũng xác định hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một yếu tố quan trọng gây ra các mối nguy hiểm trong khai thác. 

Tuấn Minh

(Theo GAA)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!