Tỷ lệ tiêu hóa của 6 nguồn protein mới trên TTCT

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tỷ lệ tiêu hóa cao không chỉ làm giảm hệ số chuyển đổi thức ăn mà còn giảm tác động lên môi trường. Protein đơn bào có tỷ lệ tiêu hóa cao nhất trong khẩu phần của tôm, đứng thứ 2 là protein côn trùng.

Xây dựng nghiên cứu

Nghiên cứu của Li, X. et al. 2022 đã đánh giá tỷ lệ tiêu hóa của 6 nguồn protein mới trong chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng (TTCT), gồm bột ấu trùng ruồi lính đen (BSFLM); bột vi tảo lục (Chlorella vulgaris) (CM); protein hạt bông (CPC); protein sâu bột mealworm (TM); protein vi khuẩn Clostridium autoethanogenum (CAP); và bột vi khuẩn methanotroph (một loại vi khuẩn chuyển hóa khí mêtan thành carbon và năng lượng).

Nghiên cứu đã ước tính hệ số tiêu hóa biểu kiến (ADC) của 6 nguồn protein mới trong khẩu phần thử nghiệm của TTCT. Khẩu phần đối chứng (CD) gồm 448,8 g protein thô và 71,8 g lipid thô/kg thức ăn. Sau khẩu phần thử nghiệm có công thức gồm 70% thức ăn đối chứng và 30% protein thử nghiệm.

Bột vi tảo lục (Chlorella vulgaris). Ảnh: Indiamart

Khoảng 630 con tôm khỏe mạnh có kích thước đồng đều được chia ngẫu nhiên thành các nhóm 30 con và được cho ăn 3 lần/ngày. Thử nghiệm được lặp lại 3 lần. Sau khi cho tôm làm quen với môi trường trong 1 tuần, thu gom phân tôm hai giờ sau khi cho ăn vào buổi sáng đến khi đủ mẫu phân tích thành phần và tính toán tỷ lệ tiêu hóa. Hệ số tiêu hóa biểu kiến của thành phần thử nghiệm đối với vật chất khô trong thức ăn (ADCD); protein thô (ADCPro), lipid thô (ADCL) và phốt pho (ADCP) cũng được tính toán.

Đánh giá hệ số tiêu hóa biểu kiến của vật chất khô (ADCD) giúp làm sáng tỏ toàn bộ khối lượng của các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa, vì tất cả các thành phần thức ăn có tỷ lệ tiêu hóa khác nhau. Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy tôm có các giá trị ADCD và ADCL khác nhau khi được cho ăn các khẩu phần thử nghiệm khác nhau.

Tôm được cho ăn các chế độ CD, CM, CPC và CAP không có sự khác biệt đáng kể về trọng lượng thân cuối (FBW), tăng trọng (WGR), tăng trưởng (SGR). Nhưng FBW, WGR và SGR của tôm ăn chế độ BSFLM, TM và BPM giảm đáng kể so với nhóm tôm ăn khẩu phần đối chứng. Tỷ lệ sống của tôm ở tất cả các khẩu phần không khác biệt đáng kể. Hiệu quả sử dụng thức ăn của nhóm tôm ăn chế độ BSFLM cao hơn đáng kể so với chế độ ăn đối chứng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm ở các khẩu phần CM, CPC, TM, CAP và BPM không khác biệt đáng kể so với nhóm đối chứng.

Protein côn trùng

Tôm được cho ăn khẩu phần BSFLM và TM có ADCD, ADCPro, và ADCL thấp hơn đáng kể so với khẩu phần đối chứng. Ngoài ra, ADCPro và ADCL của bột ấu trùng ruồi lính đen (BSFLM) cao hơn hẳn sâu bột (TM). Khả năng tiêu hóa của nhóm tôm được cho ăn protein côn trùng chịu ảnh hưởng mạnh bởi đặc tính dinh dưỡng của các thành phần. Thông thường, protein thô, lipid thô, chiết xuất không chứa nitơ và hàm lượng tro của protein côn trùng thay đổi theo loài và giai đoạn sinh trưởng.

Lớp vỏ ngoài của côn trùng thường chứa chitin, chất cản trở quá trình tiêu hóa. Protein côn trùng có tỷ lệ tiêu hóa axit amin thấp nhất trong 6 nhóm protein thử nghiệm. Nguyên nhân do chitin liên kết với protein và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa của tôm. Dù tôm không tiêu hóa chitin dễ dàng nhưng chitin có thể hoạt động như một chất tăng cường miễn dịch.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh thay thế 20% bột cá bằng bột ấu trùng ruột lính đen (BSFLM) không tác động tiêu cực đến hiệu suất tăng trưởng của tôm, và có lợi cho thành phần hệ vi sinh vật đường ruột cũng như chuyển hóa lipid trên tôm. Mặc dù nguồn protein côn trùng vẫn bị hạn chế sử dụng bởi nhiều lý do như an toàn thực phẩm, chitin… đến nay ngành dinh dưỡng vẫn không ngừng nỗ lực cải thiện tính khả dụng của chúng.

Protein đơn bào (SCP)

SCP là sinh khối thu được từ tế bào chất của tảo, nấm men, vi khuẩn hoặc nấm. Tỷ lệ tiêu hóa của CM, BPM và CAP ở TTCT cho thấy hầu hết các chỉ số tiêu hóa của CM thấp hơn đáng kể so với chế độ ăn đối chứng, nhưng hệ số tiêu hóa protein thô của SCP này cao hơn hẳn nhóm đối chứng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy ADCP tăng đáng kể khi tăng hàm lượng protein vi khuẩn hoặc vi tảo, chứng tỏ phốt pho trong protein đơn bào đạt hiệu quả cao hơn.

CAP và BPM đều được sản xuất bằng quá trình lên men vi khuẩn. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh tính khả dụng của hai loại protein đơn bào này trong thức ăn của tôm. CAP có tỷ lệ tiêu hóa cao nhất trên tôm do thành phần dinh dưỡng tinh khiết. Kích thước nhỏ và sự phân mảnh thành tế bào SCP là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến ứng dụng của SCP trong thức ăn thủy sản và cần được nghiên cứu thêm.

Protein hạt bông

Là nguồn protein rẻ và hữu dụng trong thức ăn nuôi tôm. Thông thường thành tế bào protein thực vật giàu xơ thô và tro nên khó tiêu hóa đối với tôm. Trong nghiên cứu này, tôm được cho ăn chế độ bổ sung protein hạt bông có hệ số tiêu hóa biểu kiến thấp hơn so với nhóm đối chứng, nhưng vẫn tốt hơn so với nhiều kết quả nghiên cứu khác trước đây. Giải pháp là tiền xử lý hạt bông và các protein thực vật khác bằng enzyme để làm giảm hiệu lực của phytate, từ đó tăng khả năng cung cấp phốt pho và các vi chất dinh dưỡng khác. Nhìn chung, TTCT vẫn có khả năng tiêu hóa protein hạt bông nhưng nếu sử dụng để thay thế bột cá, cần bổ sung thêm nguồn phốt pho phù hợp.

Vũ Đức

Theo Aquaculture Nutrition

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!