(TSVN) – Những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam đã dần chuyển sang xu hướng sản xuất bền vững, tỷ lệ thành công ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Hướng đến sự bền vững cũng là mục tiêu không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia sản xuất tôm hiện nay. Đây là chủ đề chính của Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2021 (VietShrimp 2021).
Trong thủy sản, cùng với cá tra thì tôm là đối tượng chính mang lại giá trị cao nhất. Riêng nuôi tôm, qua nhiều năm tập trung phát triển, có thể khẳng định đến nay Việt Nam đã hình thành được các vùng nuôi ổn định, quy mô trên 700.000 ha, sản lượng gần 800.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2020, khi xuất khẩu nhiều mặt hàng bị sụt giảm thì xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng dương liên tục, với tổng kim ngạch cả năm đạt 3,85 tỷ USD, một con số rất đáng tự hào trong một năm có vô vàn bất lợi. Góp phần mang lại giá trị xuất khẩu này là sự nỗ lực của toàn ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi để mang về sản lượng 900.000 tấn tôm trên tổng diện tích 736.500 ha.
Ngành tôm được xác định là một trong những ngành hàng phát triển mang tính chiến lược của nền kinh tế, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, ngành tôm vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức, nhất là trong năm 2020 vừa qua và đó là vấn đề đại dịch COVID-19, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Theo chia sẻ của một số địa phương nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL, hiện nay sản xuất tôm vẫn chưa xây dựng được quy trình nuôi năng suất cao, an toàn dịch bệnh, cũng như mô hình liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả để phổ biến nhân rộng. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, nhất là thông tin giá cả thị trường còn nhiều hạn chế, người dân còn lúng túng trong việc chọn lựa đối tượng nuôi, kích cỡ thu hoạch, có những hộ nuôi phải thu hoạch tôm non do lo sợ giá giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế cho người nuôi, cũng như ngành kinh tế chủ lực của các địa phương.
Chính vì vậy hướng đến chuỗi sản xuất bền vững là xu thế tất yếu và cần thiết để đưa ngành tôm Việt tiến xa hơn nữa. Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020, để sản xuất tôm bền vững cần bảo đảm chất lượng tôm giống, thực hiện quy trình sản xuất đạt chuẩn ATTP theo chuẩn quốc tế, nhất là đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; vận hành hiệu quả các cơ chế quản lý nhà nước giữa các bộ ngành trung ương và địa phương; nhằm tạo lập sự công bằng, khuyến khích sự sáng tạo của các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất tôm theo hướng nâng cao năng suất đi đôi chất lượng, cạnh tranh tốt; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ tôm nuôi truyền thống và mở rộng thị trường mới, bảo đảm lợi nhuận cho người nuôi.
VietShrimp là một sự kiện thường niên và quan trọng hàng đầu của ngành tôm Việt Nam, sau 2 lần tổ chức (năm 2016, 2018) đã để lại ấn tượng sâu sắc đến các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi. Đây là nơi hội tụ của những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới cùng giới thiệu, chia sẻ về những trang thiết bị, công nghệ, sản phẩm chất lượng nhất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu tôm.
Lần tổ chức thứ ba này tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (thời gian 14 – 16/4/2021), VietShrimp 2021 sẽ có khoảng 200 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Cùng với việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ của các doanh nghiệp; VietShrimp 2021 còn có các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có uy tín trong ngành.
Hồng Hạnh