T5, 24/03/2022 01:30

Xuất khẩu thủy sản liên tiếp đón tin vui

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng đột phá, nhiều tin vui liên tiếp ở các thị trường với các mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sú sang Anh tăng gấp 6 lần

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy mặt hàng này chỉ chiếm 2,7% tỷ trọng giá trị thủy sản xuất khẩu sang Anh, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng gấp 6 lần cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với mặt hàng này tại thị trường này.

Anh đứng thứ 5 trong số các thị trường đơn lẻ nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm 3,6%, với giá trị 316 triệu USD, giảm 8,3%. Hiện, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho thị trường Anh, chiếm 7% thị phần, đứng sau Na Uy và Iceland – 2 quốc gia có thế mạnh về cung cấp cá thịt trắng.

Năm 2021, xuất khẩu tôm chiếm vị trí chủ lực 74% giá trị thủy sản sang Anh, nhưng cũng bị giảm 3,5%. Ngoài yếu tố chi phí vận chuyển tăng, tôm Việt Nam cũng bị áp lực cạnh tranh khốc liệt với tôm Ấn Độ tại thị trường Anh vì giá tôm Ấn Độ thấp hơn, nhất là tôm cỡ nhỏ phù hợp bán lẻ trong bối cảnh COVID-19.

Sau một năm Việt Nam và Anh ký Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam không có sự đột phá vì các cơ chế ưu đãi thuế quan cũng như các quy định, thủ tục liên quan xuất khẩu sang thị trường này là sự tiếp nối của hiệp định EVFTA ký và thực hiện từ tháng 8/2020. Nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu sang Anh giảm trong năm 2021 là vì đại dịch COVID-19 khiến cho cước vận tải biển tăng cao. Đặc biệt, trong quý III/2021, Anh là một trong số các thị trường bị giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam với gần 30%.

Xuất khẩu cá tra “hồi sinh”

Theo VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới 3 con số. Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam hy vọng rằng xu hướng này tiếp tục duy trì cho tới cuối năm.

Trong đó, tại thị trường Mỹ, tính tới hết tháng 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại thị trường Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 85,8 triệu USD, tăng 239,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,3%. Như vậy, Trung Quốc – Hồng Kông là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian này, giá trị xuất khẩu cá tra sang Hồng Kông tăng trên 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực sau gần 2 năm, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hồng Kông không ổn định.

Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm nay đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 18,3 triệu USD, tăng 23,3%; sang Canada đạt 9,6 triệu USD, tăng 81,5%; sang Australia đạt 6,8 triệu USD, tăng 19%; sang Malaysia đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 165%. Nếu tình hình COVID-19 trên thế giới được kiểm soát tốt, kinh tế bình thường trở lại, dự báo trong ít nhất 2 quý tới, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP tăng trưởng dương tới 2 con số.

Tại thị trường EU, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng cao trở lại sau 2 năm sụt giảm liên tiếp. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan đạt gần 10 triệu USD, tăng 78,3%; Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 98%; Bỉ đạt 2,8 triệu USD, tăng 64,3%; Tây Ban Nha đạt 2,7 triệu USD, tăng 53%.

Ngoài các thị trường xuất khẩu chính trên, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Thái Lan, UAE, Anh cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá ngừ tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi tăng vọt 108% đạt 88 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao 57%, đạt 67 triệu USD. Con số này gần gấp đôi so với tháng 2/2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Trong 2 tháng đầu năm nay, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 99% với kim ngạch 80 triệu USD thì các thị trường có FTA thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó: Thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 52%, Chilê tăng 99%,…; khối EVFTA như Hà Lan tăng mạnh 114%, Bỉ tăng 163%…

Đáng chú ý, xuất khẩu sang phần lớn các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh. Tính đến hết tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 24 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện đang là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, Hà Lan từ vị trí thứ 4 đã vươn lên là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.

Dự kiến, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Do nền kinh tế các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tăng trưởng mạnh trở lại và đạt quy mô như cuối năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các nước EU hồi phục. Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được khởi động lại trong những tháng đầu năm 2022 đang tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này.

An Nhiên

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!