T2, 06/07/2020 01:43

Cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá: Chính sách văn minh

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN-PTNT đang từng bước thực hiện bài bản, khoa học, đúng trình tự pháp luật trong việc cấp phép hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá hoạt động tại vùng khơi.

Nguyên do xuất phát từ yêu cầu khai thác bền vững đồng thời mục tiêu hướng đến ngành khai thác, đánh bắt thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế.  

Bền vững vì chính ngư dân

Trao đổi với Báo NNVN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Luật Thủy sản của ngành thủy sản trong năm 2019.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng.

Đây là công việc tất yếu bắt buộc phải làm dù có khó khăn đến đâu bởi trong Luật Thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đều đã quy định rất chi tiết. Hơn nữa, cấp hạn ngạch khai thác cũng là một trong những khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu EC và các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc tế nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản hàng năm hoặc định kỳ 05 năm/lần, việc cấp hạn ngạch khai thác là việc làm cần thiết nhằm duy trì nguồn lợi thủy sản cho chính bà con ngư dân trong tương lai.

Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá khai thác tại vùng khơi, còn UBND các tỉnh, TP xác định, cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá khai thác tại vùng ven bờ và vùng lộng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản và báo cáo của 28 tỉnh ven biển, có khoảng 35.054 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên được hoạt động ở vùng khơi theo hệ thống pháp luật về thủy sản năm 2003. Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 ban hành và có hiệu lực, chỉ có 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được hoạt động tại vùng khơi (29.408 chiếc khai thác thủy sản và 2.133 chiếc tàu hậu cần khai thác).

Theo Luật Thủy sản mới, các tàu cá để được cấp phép khai thác vùng khơi phải có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Cơ sở và căn cứ áp dụng kích thước này theo thông lệ chung của quốc tế, khu vực về quản lý nghề cá cũng như thực tế nghiên cứu, khảo sát cho thấy tàu có kích thước 15m trở lên khi khai thác vùng khơi có gặp bão và sóng lớn hệ số an toàn tốt hơn các tàu mà chiều dài nhỏ hơn 15m, nhưng lại lắp máy công suất 90CV.  

Những khó khăn sẽ được tháo gỡ

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS giao hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi cho các địa phương, ban đầu cũng có vấp phải sự thắc mắc phản ứng từ một số địa phương và bà con ngư dân. Trong đó, nổi cộm nhất là thắc mắc của nhiều chủ tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15m, nhưng công suất máy lại trên 90CV (khoảng 3.513 tàu cá) nên theo quy định mới không được cấp phép hạn ngạch khai thác vùng khơi.

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, ngay sau khi phát hiện vấn đề phát sinh sau khi cấp hạn ngạch, Bộ NN-PTNT đã nghiên cứu và sẽ có văn bản đề nghị các địa phương rà soát danh sách tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15m nhưng công suất trên 90CV có nhu cầu nâng cấp, cải hoán đảm bảo chiều dài từ 15m trở lên trình Bộ xem xét, có phương án cấp bổ sung hạn ngạch.

Bộ NN-PTNT đang thực hiện những bước đi bài bản, theo đúng trình tự pháp luật và thông lệ quốc tế trong việc cấp hạn ngạch tàu khai thác vùng khơi.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, việc Bộ NN-PTNT tìm phương án xử lý cho 3.513 tàu cá có chiều dài dưới 15m, song công suất trên 90CV là hoàn toàn nhân văn và hợp tình hợp lý, đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, bởi số lượng tàu cá được Bộ NN-PTNT cấp phép hạn ngạch khai thác vùng khơi về cơ bản nằm trong khoảng quy hoạch tại Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết thêm, phương án chi tiết được Bộ NN-PTNT tính đến trong việc cấp hạn ngạch bổ sung tàu cá khai thác vùng khơi sẽ lấy số hạn ngạch đã được Bộ cấp theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS cho khối tàu đã được cấp văn bản đóng mới nhưng chưa đóng, trường hợp vượt số hạn ngạch được giao các tỉnh thống kê, báo cáo Bộ NN-PTNT để xem xét cấp bổ sung nếu có.

 Bên cạnh đó, bình quân hàng năm do tai nạn, chìm đắm cộng bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu, tiêu hủy khoảng vài trăm chiếc hoàn toàn có thể đủ để xử lý cho 3.513 tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15m, nhưng công suất máy lại trên 90CV có nhu cầu nâng cấp, cải hoán đảm bảo chiều dài từ 15m trở lên tiếp tục được đánh bắt vùng khơi theo thói quen truyền thống, góp phần đảm bảo và giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Nguyên Huân

Theo Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!