T2, 06/07/2020 11:27

Chuyện những lão ngư Cần Giờ

Chưa có đánh giá về bài viết

1. Không hiểu sao tôi rất yêu Cần Giờ. Có lẽ vì Cần Giờ gắn bó với tôi bằng kỷ niệm của những ngày đầu học làm phim tài liệu, đi khảo sát cùng Phó Chủ tịch huyện Tư Tình để chuẩn bị làm con đường bộ Nhà Bè – Duyên Hải. Chúng tôi đã theo anh đi trên một chiếc ghe, thả dài từ trung tâm thành phố ra Duyên Hải (nay là Cần Giờ).

Thỉnh thoảng chúng tôi ghé thăm các nông trường trên đường đi. Có một chị phụ nữ đứng tuổi đi theo nấu cơm trên ghe cho chúng tôi ăn. Hết thức ăn lại tấp vô chiếc ghe của ngư dân bên sông để mua tôm, cá… Là người thành phố, tôi tự hào Sài Gòn cũng có biển. Trong bài viết tôi hay nhắc tới Cần Giờ cùng những sản vật, lễ hội, nhưng năm nay lần đầu tiên mới tận mắt chứng kiến lễ Nghinh Ông và làm quen với những bác dân chài thực sự từng là những nhân vật trong kịch bản của mình.

Ông Lê Văn Hương là ngư dân đã 86 tuổi và có hơn 50 năm làm nghề đánh cá, từ 20 tuổi. Lúc đầu ông đi làm công rồi đánh lưới gộc, đi bắt ốc, nghêu… mà sống. Mãn mùa vạn lưới lại hoàn nghèo khổ, quần áo rách rưới, không chữ nghĩa. Cần Giờ thời đó là 4 không: không gạo, không điện, không vải vóc và đặc biệt không nước. Ông mới học lớp 3 trường làng, nhìn trời, nhìn sao Vua dò đường đi, sau đó dành tiền mua được đồng hồ, coi được con nước lớn, ròng. Rồi tới lúc ông đi đánh cá xa bằng ghe buồm, đến năm 1967 mới có ghe máy. Ông Hai Hương kể, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Cần Giờ đã có nghề đánh cá biển bằng lưới đăng ở cửa biển Đồng Tranh và cửa biển Cần Giờ, cách bờ vài cây số. Đã có 30 nhà thầu đặt lưới đăng ở nơi này, thuê mướn 300 ngư dân trông coi. Bấy giờ, nghề đánh cá gần bờ bằng lưới, nò, rung, xịt và câu phát triển mạnh; tôm, cá, mực nhiều vô cùng. Lúc đó, lênh đênh trên biển nhiều ngày, sợ nhất là giông to, gió lớn. Trời sắp mưa, mây đen chân trời không sao, mây đen trên đầu phải cuốn buồm chạy. Hồi xưa sợ giông gió, giờ ít lo hơn vì nghe tin dự báo thời tiết, có máy định vị, máy bơm nước…

Ông Hai Hương rủ chúng tôi đến nhà ông Năm Bông, một ngư dân đã đi bạn cho ông nhiều năm. Ông Năm Bông vừa đi xịt ruốc về, quần áo ướt sũng. Được mấy ký ruốc, ông biểu người nhà đi mua bánh tráng rau sống để đãi khách. Vóc dáng ốm nhom với nước da sạm nắng của người đi biển lâu năm, ông Năm Bông nói ông bằng tuổi ông Hai Hương. Lớn lên, cha mẹ nghèo ông phải đi chăn trâu, mấy năm sau về nhà vẫn nghèo. Nhà anh em 6, 7 người ai cũng nghèo, kiếm ăn khổ sở lắm, sau đó mới đi làm vạn chài. Hai ông bạn già ngồi với nhau lại nhắc chuyện xưa, thời nghèo khổ. Giờ thì sướng rồi, ghe thuyền, phương tiện hiện đại, có thể đi biển xa nhiều ngày. Tiền công cũng khá giả, ngư dân ăn chia với chủ tàu. Ông Năm Bông nói ông nội ông Hai Hương nhà giàu, có ghe chèo, ghe buồm đánh cá. Ông Năm đi làm mướn cho nhà ông Hai Hương nhưng hai người coi nhau là bạn bè hơn là chủ và người làm mướn. Giờ già rồi vẫn là bạn. Đã 86 tuổi, nhưng sáng, trưa, chiều, ngày 3 buổi ông Năm Bông đều xuống biển. Tới mùa ruốc, ông lội đi xịt ruốc, có nghêu đi cào nghêu. Còn không có ông đi dạo trên bờ biển, lượm rác rến, chai lọ trôi dạt vô bờ. Ông cứ như một công chức cần mẫn. Vì sao, tôi hỏi. Ông nói: “Vật còn nhớ cảnh, con người không quên cội nguồn. Là quê hương, xứ sở, nơi cắt rốn, chôn nhau. Ra đứng ngoài biển ngó vô bờ để thỏa nỗi nhớ một thời. Tôi như thấy lại nhà cửa, xóm làng của 50 năm trước chớ không phải bây giờ…”. Còn ông Hai Hương nói tuy giờ không đi biển nữa thì mình chỉ cho con làm nghề biển. Giờ không làm tay chân nữa mà làm bằng cái đầu. Ông có 5 người con, 3 người nối nghiệp ông đi đánh cá. 2 người làm khô, mắm, chế biến hải sản.

Ông Ngô Văn Dị (Năm Dị), người giờ là Vạn trưởng Vạn Lạch ở Cần Giờ, bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe chuyện biển cả và những ngư dân. Đời ông bà hồi xưa sao khổ quá, phải tìm sự sống bằng mọi cách, với 4 nghề vạn đò, vạn câu, vạn chài và vạn lưới nên hình ảnh chiếc ghe buồm luôn vương vấn trong đầu các lão ngư cho tới bây giờ. Còn đáy rạo, đáy song cầu đã nuôi ngư dân Cần Giờ trên 200 năm chớ không ít. Chủ hàng đáy mới được bước vô Lăng Ông Thủy tướng. Điều hành Lăng Ông là những ông chủ đáy chớ ngư dân thường không được vô. Hồi đó ở Cần Giờ này có trên dưới 1.000 hàng đáy. Giờ bình đẳng rồi. Mọi ngư dân đều có thể vô Lăng Ông để cúng bái, tưởng nhớ những bạn chài đã mất.

2. Trong câu chuyện kể về biển, về nghề, về người, ông Năm Dị bỗng cười sảng khoái: “Tôi phục nhà văn Bình Nguyên Lộc khi nhớ tới bài thơ ông viết về Đèn Cần Giờ. Sao ông tới Cần Giờ lúc nào mà viết hay vậy: “Đèn treo cột đáy, nước chảy ngọn đèn rung. Anh thương em tha thiết vô cùng”. Câu chuyện lan man đến chuyện Cần Giờ nay. Cả 3 ông Hai Hương, Năm Bông và Năm Dị đều nhắc tới 3 sự kiện lớn đến với người dân Cần Giờ, làm thay đổi đời sống của họ: có con đường bộ nối liền trung tâm thành phố ra huyện, có điện và nước sạch.

“Cần Giờ phát triển không được vì không có nước ngọt, không có đường giao thông” – Trịnh Hoài Đức đã viết. Ông Năm Dị trầm ngâm kể chuyện xưa: Hồi trước tàu chở từ Vũng Tàu qua Cần Giờ một lần 40 – 50 thùng phuy nước, bán cho dân 2 xu 1 đôi nước mà phải gánh đi 1, 2 cây số. Có người ví Cần Giờ như một chiếc bè khổng lồ nổi giữa biển mặn và nông, trên bè lại không có nước ngọt. Tại Long Hòa, Đỗ Hòa, Cần Thạnh, khoan sâu hơn 170m đã gặp nền đá và ngay ở tầng nông của phù sa cổ cũng chỉ gặp nước nhiễm mặn. Cần Giờ khổ vì sự khan hiếm nước sạch sinh hoạt cho người dân và để sản xuất. Hàng mấy chục năm người dân Cần Giờ phải mua nước sạch với giá cao, hoặc phải xài nước nhiễm mặn. Nay có nước nước sạch xài, ai cũng mừng. Tụi tui giờ sướng rồi. Tụi tui không còn phải thấy cảnh chở nhau đi đong từng can, từng thùng nước về xài.

Hai lão ngư Lê Văn Hương (trái) và Nguyễn Văn Bông.

Ông Năm Dị hỏi tôi: “Cô quen ông Tư Tình hả, vậy cô có biết chuyện con đường Nhà Bè – Duyên Hải có một cái cua đặt tên “cua Tư Tình” không?”. Rồi cả ông Năm Dị và ông Hai Hương đều bật cười. Đó là chuyện ông Tư Tình – nguyên Phó Chủ tịch huyện Duyên Hải, nay là huyện Cần Giờ bị lật xe ở đó. Ông Năm Dị nói, không có đường bộ nên quãng đường từ huyện Cần Giờ đến trung tâm TP HCM xa thăm thẳm dù chỉ cách 50km. Giao thông cách trở, dân và cán bộ đều khổ. Cán bộ xã muốn lên huyện họp phải đi ghe từ chiều hôm trước mới kịp họp vào sáng hôm sau. Cán bộ huyện lên thành phố họp muốn đi nhanh phải đón ghe qua Vũng Tàu, sau đó đi xe khách ngược lên thành phố.

Rồi trong cơn mưa tầm tã sáng 28/4/1985, hàng ngàn hộ dân địa phương lòng vui như mở hội, đón mừng một sự kiện quan trọng mà 10 năm sau ngày thống nhất đất nước mới trở thành hiện thực: Lễ thông xe tuyến đường Nhà Bè-Duyên Hải (nay là đường Rừng Sác). Dân Cần Giờ lúc đó sướng rơn. Ông Hai Hương kể lúc đó có nhiều người còn chưa biết xe hơi, khi chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện ở Cần Giờ, nhiều người rờ mó, chỉ chỏ, ngửi khói…

3. Buổi chiều, chúng tôi đến bến đò Đông Hòa. Bến đò đang lúc tấp nập, lớp chở khách từ Gò Công, Tiền Giang qua; lớp tàu đánh cá từ ngoài biển về. Những chiếc tàu cá đủ loại đang cập bến, đem về đủ loại tôm cá, cua ghẹ… Trên một chiếc thuyền đánh cá đang đậu bên bến đò có một nhóm thanh niên đang ngồi lai rai. Khi chúng tôi đến, nói muốn nghe kể chuyện đi biển, các anh nhiệt tình tranh nhau kể. Thế là tan buổi nhậu. Mười Điểm, một ngư dân cho biết, đáng lẽ đã ra khơi trưa nay, nhưng máy móc trục trặc sao đó. Trong khi chờ đợi, các anh ăn trưa và rỉ rả vài chai bia. Mười Điểm nói anh bắt đầu đi biển từ 17 tuổi, cả nhà làm trên bờ, chỉ riêng anh, mê đi biển nên cứ trốn đi.

Sống ở Cần Giờ, ở biển, không làm nghề biển thì làm gì? Do cuộc sống, cơm áo gạo tiền, các anh phải lao động chứ nghề đi biển vất vả lắm. Đi biển riết rồi ở nhà cũng nhớ biển, ngư dân có vài ngày nghỉ rồi lại nôn nao ra biển. Sau đó, mọi người hối hả về, chuẩn bị vô thị trấn coi Lễ hội Nghinh Ông. Ông Năm Dị lại “rút ruột”, kể: Cả năm lao động vất vả, sống với biển cả, chỉ ngày rằm tháng tám hàng năm mới là ngày vui, ngày ngơi nghỉ, hội hè của ngư dân. Đó là ngày Lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ, được tổ chức quy mô ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào ngày 16-8 âm lịch. Còn các xã khác, như Long Hòa tổ chức vào tháng 5 âm lịch; xã đảo Thạnh An tổ chức vào tháng 10 âm lịch. Những ngày này, các ngư dân đều nghỉ ra khơi, tham gia lễ. Từ lăng thờ, bến cá đến tàu, ghe đều được trang hoàng lộng lẫy. Cuộc lễ gồm 3 phần: Lễ Nghinh Ông bắt đầu từ 9 giờ đến 13 giờ; lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền để tưởng nhớ công lao những người đến đây lập nghiệp đầu tiên; lễ cúng Chánh tế. Đồ cúng không dùng sản vật của biển mà thường là heo quay, xôi màu, rượu trà. Trong lễ hội còn tổ chức những trò dân gian miền biển như kéo dây, đi cà khêu, hát bội… giúp bà con vui chơi giải trí.

Năm nay lần thứ hai thành phố và huyện Cần Giờ tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn, sau khi năm ngoái được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận Lễ hội Nghinh Ông, huyện Cần Giờ TPHCM là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Nghinh Ông năm nay có thêm chủ đề “Ngư dân bám biển”; giới thiệu về truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện Cần Giờ; phục chế hiện vật quá trình 35 năm khôi phục, bảo vệ, bảo tồn khu sinh quyển thế giới rừng ngập mặn; triển lãm các loại hình đánh bắt truyền thống của ngư dân Cần Giờ… Thiêng liêng và trang trọng nhất mà cũng rất vui là được theo đoàn ghe thuyền đánh cá đi ra biển để nghinh Ông và rước Ông về. Và tôi cũng nao nức, hân hoan đi cùng với những ngư dân ra biển tham gia nghinh Ông – một cảnh náo nhiệt, hoành tráng với rất nhiều ghe thuyền đánh cá trang trí cờ hoa đủ màu sắc chạy trên biển đón Ông cầu năm mới được mùa, mưa thuận gió hòa…

Cần Giờ trước đây xa xôi nay như gần lại với các tiềm năng được đánh thức; có khí hậu trong lành, cảnh vật hấp dẫn; sản vật tại chỗ phong phú và đặc biệt là Lễ hội Nghinh Ông. Chỉ còn chút trở ngại là phà Bình Khánh. Mong rằng phà Bình Khánh sẽ không là vật cản để mọi người đến với Cần Giờ đông hơn, tấp nập hơn, thưởng ngoạn vùng đất biển tiền tiêu của thành phố.

Ký sự của Dương Cẩm Thúy

Sài Gòn Giải Phóng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!