T2, 06/07/2020 12:27

Doanh nhân Việt kiều tâm huyết với tôm kêu cứu Thủ tướng

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông Sawetkamon Pornthep (Nguyễn Văn Thắng), Việt kiều quốc tịch Thái Lan, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Lợi vừa gửi “thư kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thư đề nghị Thủ tướng “quan tâm, chỉ đạo giải quyết đến tường tận sự việc giúp các doanh nghiệp như chúng tôi không phải lo lắng và yên tâm làm ăn để cống hiến một phần cho nước Việt Nam”.

Tâm huyết với tôm

Ông Sawetkamon Pornthep về nước từ 21 năm trước, lúc đó còn ít nơi nuôi tôm, chưa sản xuất được tôm giống. Nhiều người còn nhớ, năm 1997, ông làm ao nuôi tôm tại xã Đồng Bò (TP Nha Trang, Khánh Hòa), thành công và mở rộng ra nhiều xã trong vùng, lan sang tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và xuống ĐBSCL.

Còn nhiều người ở tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng nhớ ông Sawetkamon Pornthep đã làm ao mô hình nuôi tôm, mời lãnh đạo địa phương và người dân tới xem. Một số cán bộ địa phương được ông tổ chức sang Thái Lan xem nông dân Thái nuôi tôm có thu nhập cao, cuộc sống khá giả. Các ao nuôi tôm của nông dân Việt Nam hồi đó đều thành công. Kỹ thuật làm ao và nuôi tôm được xây dựng thành quy trình, chuyển giao cho nông dân qua hệ thống khuyến ngư và còn vào các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển mạnh mẽ. Năm 2004, ông Sawetkamon Pornthep được mời ra một số tỉnh phía Bắc để tham khảo có nuôi tôm được hay không. Ông góp ý, phía Bắc khí hậu không hợp với tôm sú, nên nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc tôm kuruma Nhật Bản, hiệu quả nhất là tôm thẻ HaWei.

Năm 2002, ông Sawetkamon Pornthep đến Vũng Tàu sống đến bây giờ. Ngày 21/9/2006, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao tặng bằng khen cho Công ty Việt Thắng Lợi và cá nhân ông Sawetkamon Pornthep vì “Đã đạt thành tích trong sản xuất, kinh doanh và góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Nhằm góp phần đưa ngành nuôi tôm vượt qua thảm cảnh, ông Sawetkamon Pornthep tổ chức nhập khẩu chất xử lý môi trường nước. Trước kia, môi trường nước ĐBSCL có loại tảo rất tốt cho tôm mà ít nơi trên thế giới có được, nên nuôi tôm thắng lợi, nhưng sau đó bị sử dụng tràn lan chất hóa học khiến môi trường nước suy thoái trầm trọng, tôm giống thả xuống bị chết sớm. Ông Sawetkamon Pornthep nhập chất xử lý cải tạo môi trường nước và chỉ bán giá vừa có lời đủ duy trì hoạt động. “Phải bán giá thấp để cạnh tranh với hàng giả, hàng không có chất lương”, ông tâm sự.

 Ông Sawetkamon Pornthep (Nguyễn Văn Thắng) tâm huyết với tôm

Ông Sawetkamon Pornthep (Nguyễn Văn Thắng) tâm huyết với tôm

“Tham nhũng trong chính sách”

Thư kêu cứu Thủ tướng của ông Sawetkamon Pornthep viết: “Từ cuối năm 2015 đến hôm nay đúng một năm, tôi đã trực tiếp gặp nhiều người nhưng không giải quyết được. Tôi về Việt Nam không bao giờ làm sai pháp luật, không bao giờ trốn thuế, luôn làm đúng luật. Hải quan khu vực 3 và Thanh tra Tổng cục Hải quan điều chỉnh tăng thuế và cưỡng chế, không cho khai tờ khai trên mạng đến nay chưa mở được. Tôi trực tiếp làm vụ việc này thấy nhiều cái Hải quan làm sai, đầu vào thuế GTGT 5% đầu ra xuất cho dân cũng 5%, mà nay tăng thuế và truy thu thuế trở lại ngày nộp thuế thì chắc chắn doanh nghiệp phá sản”.

“Ngày 10/3/2016, Công ty chúng tôi đã không thể khai báo hải quan điện tử cho đến bây giờ. Chi cục Hải quan Cảng Vict (KV3) đã ra quyết định điều chỉnh tăng thuế GTGT từ 5% lên mức gấp đôi 10% và cưỡng chế nợ thuế cho các lô hàng từ năm 2013, 2014 mà Công ty đã khai báo trước đó (đính kèm thông báo nợ cưỡng chế thuế)”, thư ông Sawetkamon Pornthep kể.

Ông đưa dẫn chứng mấy chục doanh nghiệp lúc đầu bị điều chỉnh tăng thuế GTGT lên 10% nhưng sau đó được hạ xuống 5% với lý giải: “Thuế đầu ra đã khai báo nộp thuế với thuế suất 5% thì không điều chỉnh lên 10%”. Bộ Tài chính có văn bản trả lời riêng cho từng doanh nghiệp ấy: “Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế GTGT, đã xuất bán trong nước, đã lập hóa đơn, kê khai thuế GTGT đầu ra với cơ quan Thuế với mức thuế suất thuế GTGT là 5%, thì không thực hiện điều chỉnh mức thuế GTGT khâu nhập khẩu và xuất bán trong nước là 10%”.

Một câu hỏi ông Sawetkamon Pornthep nêu lên: “Tại sao các công ty kia được không bị điều chỉnh thuế GTGT lên 10%, mà đơn vị chúng tôi không được, mặc dù nội dung vướng mắc thuế GTGT là giống nhau?”. Và ông đưa ra câu trả lời: “Hẳn chỉ có một cách giải thích duy nhất là Bộ Tài chính chủ ý kéo dài càng lâu càng tốt (miễn không có ai lên tiếng), thông qua việc ban hành các văn bản rối rắm để các doanh nghiệp khi bị truy thu thì tất yếu phải chạy đến mình – nơi ban hành văn bản. Đó được tạm gọi “tham nhũng trong chính sách”.

Vì thế, vướng mắc xảy ra từ năm 2012, đến 2016 vẫn chưa chấm dứt. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp để tồn tại, phải “chạy”. Còn đất nước bị thiệt hại, thư của ông phân tích: “Giá cả hàng hóa tăng (người mua phải chịu thêm một khoản chi phí do cộng thêm phí tham nhũng vào giá bán), giá hàng hóa tăng thì sức cạnh tranh kém, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng, và dần dần sẽ đi đến chỗ phá sản. Doanh nghiệp phá sản thì nhà nước không thu được thuế, không tạo được công ăn việc làm”.

Lá thư của ông Sawetkamon Pornthep tha thiết: Thưa Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “tôi xin cung cấp cho Ngài một việc mà giúp Ngài đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu một cách có hiệu quả (…). Dẫn chứng cụ thể mà tôi sẽ cung cấp cho Ngài, đó là mâu thuẫn chồng chéo giữa hai Thông tư cùng quy định về mức thuế suất thuế GTGT bởi do cùng một Bộ ban hành, đó là Thông tư 131/2008/TT-BTC và Thông tư 06/2012/TT-BTC. Chính mâu thuẫn của hai Biểu thuế trên, đã tạo nên những hướng xử lý khác nhau do chính cơ quan ban hành văn bản thực hiện cùng một sự việc”.

Ông Sawetkamon Pornthep đề xuất: “Xử lý dứt điểm ở cái gốc tại nơi người có quyền ký, đóng dấu ban hành các thông tư đó, nghĩa là dừng ngay việc ban các quy định tréo ngoe này, phải sửa ngay nếu văn bản có sự mâu thuẫn, phải thông báo công khai cho tất cả các doanh nghiệp đều biết để thực hiện, tuyệt đối không để tình trạng vướng mắc kéo dài”.

>> “Về việc khó khăn trên, chúng tôi không dám đặt hàng nhập khẩu vì không khai tờ khai trên mạng được và vẫn bị ách tắc tại Công văn số 1127/BTC-TCHQ ngày 15/8/2016, làm cho tôi hết sức mệt mỏi. Mong sớm có hướng chỉ đạo sâu sát để tháo gỡ khó khăn cho Công ty”, ông Sawetkamon Pornthep chia sẻ.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!