T2, 06/07/2020 01:44

Hành động vì sự phát triển nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nhiều năm nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á thường dành một khoảng thời gian để ngồi lại cùng nhau nhằm tìm tiếng nói chung trong phát triển nghề cá. Năm nay, sự kiện này diễn ra tại Việt Nam, các bên tiếp tục thống nhất việc hợp tác phát triển nghề cá khu vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản bền vững.

Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

Theo thống kê, khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó có 4/10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thủy sản cũng là một trong 12 ngành, lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực ASEAN với lộ trình tập trung vào 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm, nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin.

Trong chuỗi các sự kiện này, đại biểu các nước thành viên ASEAN đã cùng trao đổi về chống khai thác IUU; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác và NTTS; ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới khai thác và NTTS trong khu vực…

Về IUU, các quốc gia thành viên ASEAN đã được thông tin về tiến trình triển khai Kế hoạch hành động khu vực chống khai thác bất hợp pháp (RPOA-IUU); hỗ trợ các quốc gia thành viên phê chuẩn và thực thi Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO (PSMA) và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (NPOA-IUU), thực thi các biện pháp quản lý nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp, thống nhất hợp tác giữa các quốc gia thành viên thông qua cơ chế trao đổi và minh bạch thông tin.

Theo đó, các quốc gia đã thống nhất cao về chủ trương thành lập Mạng lưới chống khai thác IUU của ASEAN (ASEAN Network for Combating IUU, AN-IUU) với mục tiêu chính là chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực quản lý, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho các nước thành viên. Đồng thời, chính sách chung về thủy sản của ASEAN cũng được các đại biểu thống nhất nghiên cứu khả thi nhằm tăng cường các nỗ lực chung hướng đến nghề cá bền vững, có trách nhiệm và bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất thực hiện các vấn đề quan trọng khác của khu vực về phát triển thủy sản bền vững, tăng cường khả năng hội nhập với nghề cá thế giới, bảo đảm an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Trước những biến đổi khí hậu khó lường, điều kiện thị trường bất ổn… Việt Nam và các nước gặp nhiều thách thức khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Khai thác hải sản hợp lý và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững đang là những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc quản lý nghề cá của Việt Nam và các nước thành viên ASEAN.

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!