Hiệu quả vượt trội từ công nghệ sinh học

Chưa có đánh giá về bài viết

Được nhận định là nhân tố quan trọng giúp ngành nuôi trồng thủy sản hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả, công nghệ sinh học (CNSH) đang được ứng dụng ngày một rộng rãi và thể hiện tính ưu việt.

Ưu thế lớn

CNSH được áp dụng trong NTTS rất đa dạng từ vấn đề di truyền tạo ra các giống loài thủy sản mới có chất lượng giúp cho người nuôi chủ động được con giống, đạt sản lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu hệ vi sinh vật và những tác động qua lại của chúng đối với môi trường và vật nuôi thủy sản để sản xuất các sản phẩm (men vi sinh, chế phẩm vi sinh) dùng vào việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao sức đề kháng của vật nuôi.  

Những năm gần đây, việc nghiên cứu các sản phẩm sinh học cùng với các mô hình nuôi thân thiện với môi trường đã được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi và đem lại kết quả cao; Điển hình: nuôi cá hồi bằng hệ thống tuần hoàn tại Na Uy, nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc tại Israel với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm và năng suất cao hơn gấp 2 – 5 lần so nuôi ở điều kiện bình thường.

Cùng đó, việc ứng dụng CNSH vào sản xuất giống tôm cũng được Công ty SIS (Shrimp Ismprovement Systems) thực hiện lai tạo và cung cấp hàng triệu con tôm bố mẹ có chất lượng cho ngành sản xuất tôm giống các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… Hay Viện Công nghệ Technion (Israel), Trường Đại học Arizona (Mỹ), Đại học Kasetsart (Thái Lan)… đã có những công trình nghiên cứu phát hiện ra những căn bệnh gây chết hàng loạt trên cá, tôm (VNN, MBV, EMS) và có những biện pháp phòng trị hữu hiệu bằng CNSH.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNSH trong NTTS được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc ứng dụng này chủ yếu trong lai tạo các loài thủy sản như tôm sú, cá tra, basa, rô phi… Theo đó, giúp người dân có đủ nguồn giống cho sản xuất, thúc đẩy nghề NTTS phát triển, hàng năm tăng 15 – 20% cả về năng suất và sản lượng.

 

Ứng dụng thực tế

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020”; Mục tiêu, tạo các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao; sử dụng chế phẩm CNSH trong sản xuất phục vụ nuôi trồng, phát triển thủy sản. Sau gần 7 năm thực hiện, đã lai tạo và cung cấp 10 vạn con cá tra, basa hậu bị để thay thế đàn cá bố mẹ và chuyển giao công nghệ sản xuất giống vùng ĐBSCL. Cùng đó, là những đề tài nghiên cứu lai tạo, gia hóa đàn tôm TCTT bố mẹ có chất lượng cũng đã được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Trang thiết bị hiện đại cũng được đầu tư cho các trung tâm vùng và ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh trên tôm nuôi mang lại độ chính xác cao.

Để đối phó dịch bệnh trên cá biển, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã nghiên cứu, sản xuất hàng vạn liều vắcxin cho cá giò (bớp) cung cấp cho các vùng nuôi, giúp giảm thiểu dịch bệnh; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 tạo ra được giống tôm càng xanh toàn đực bằng kỹ thuật can thiệp iRNA bất hoạt mRNA mã hóa tuyến đực.

Cùng đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống, thuốc, hóa chất cũng chuyển sang ứng dụng sản phẩm, con giống bố mẹ và CNSH từ nước ngoài và kết quả nghiên cứu trong nước vào sản xuất thực tế. Hàng trăm danh mục chế phẩm, men vi sinh được nghiên cứu thử nghiệm,đưa ra thị trường, giúp người nuôi có nhiều lựa chọn trong việc xử lý môi trường, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và người nuôi đã nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng thành công CNSH vào một số mô hình nuôi thủy sản, như mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên tại Bạc Liêu; mô hình nuôi tôm CPF-Green House của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; mô hình nuôi tôm biofloc của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long; mô hình nuôi tôm an toàn sinh học của Công ty Trúc Anh…

 

Hạn chế cần khắc phục

CNSH đang ngày càng khẳng định được tính ưu việt trong NTTS, tuy nhiên, việc ứng dụng này còn nhiều khó khăn.

TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 nhận định: Nhìn chung, nguồn nhân lực cho CNSH còn ít, việc triển khai các ứng dụng CNSH trong NTTS còn chậm và chưa đồng bộ. Sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp chưa nhiều; chuyển giao và tiếp nhận công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu còn yếu, nhiều nghiên cứu CNSH thủy sản mới dừng ở kết quả đề tài, sản xuất thử nghiệm chứ chưa nhân rộng ra thực tế và thiếu sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đưa kết quả vào thực tế sản xuất. Chế tài kiểm tra, kiểm soát chất lượng chế phẩm sinh học trên thị trường còn nhiều bất cập; hàng giả, hàng kém chất lượng nhiều; người nuôi gặp khó khăn trong lựa chọn sản phẩm.

Để có thể ứng dụng CNSH vào NTTS rộng và hiệu quả hơn, Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng về đề tài nghiên cứu khoa học;tập trung đào tạo tốt nguồn nhân lực; đồng thời, ban hành chế tài kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Tổ chức những diễn đàn, hội thảo, để nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi có cơ hội gặp nhau, tạo điều kiện cho sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế. Qua đó, cơ quan quản lý, nhà khoa học phổ biến kiến thức về vai trò và ứng dụng của CNSH đến người dân, giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, bảo vệ môi trường, đưa nghề NTTS phát triển hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!