T2, 06/07/2020 01:17

Khắc phục “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam: Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 9 và tháng 10.2018, Ðoàn công tác của Ủy ban Châu Âu sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Việt Nam, trong đó có tỉnh ta. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhằm đảm bảo yêu cầu của Ðoàn công tác.


Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra sản phẩm cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn.

Còn nhiều khó khăn

Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) và chỉ đạo của chống khai thác thủy sản (KTTS) bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh ta cần phải thành lập cơ quan kiểm ngư và trung tâm đăng kiểm tàu cá. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, bởi biên chế của Chi cục Thủy sản hiện nay khó đáp ứng được nhân lực cho hai đơn vị chuyên trách nói trên.

Việc cấp giấy phép KTTS cho các tàu cá cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tàu cá hoạt động không có giấy phép KTTS hoặc giấy phép KTTS đã hết hạn (chủ yếu là tàu có công suất dưới 20 CV, tàu cá mang biển hiệu Bình Định, hoạt động ngoài tỉnh và thực hiện thủ tục đăng kiểm tại các tỉnh khác, nhưng không làm thủ tục gia hạn giấy phép KTTS) chiếm 46% số lượng tàu cá đăng ký trong toàn tỉnh, nên khó kiểm tra, chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Hệ thống giám sát tàu cá trên biển và việc kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào các cảng cá cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó ngư dân chưa thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký KTTS. Số lượng tàu cá vi phạm vùng biển các nước chủ yếu là tàu cá thường xuyên hoạt động và neo đậu các cảng cá ngoài tỉnh, nên rất khó xử lý. Một số trường hợp chủ tàu thuê thuyền trưởng địa phương khác đi KTTS đã vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt, nhưng công tác thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm cũng không dễ, bởi đơn vị thực hiện xử lý không có biên bản vụ việc, nên rất khó thụ lý hồ sơ xử phạt, nhất là các tàu cá đã bị đánh đắm hoặc bị tịch thu ở các nước.

Chủ động triển khai nhiều biện pháp

Tại hội nghị đánh giá kết quả và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC, diễn ra trong tháng 8.2018 tại TP Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp để Đoàn công tác của EC có cơ sở đánh giá và xem xét xóa bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án tổ chức thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai các giải pháp cấp bách theo quy định IUU trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Theo đó, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và huyện Hoài Nhơn thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến theo quy định tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức quản lý của Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Lập danh sách tàu cá thuộc diện “nhạy cảm” dễ vi phạm vùng biển nước ngoài, gửi các địa phương để tổ chức tuyên truyền, yêu cầu chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước khác.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động nghề cá, quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình công tác xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Thực hiện nâng cấp, xây dựng các trạm bờ, đảm bảo tiếp nhận báo cáo vị trí tự động của các tàu cá trên biển, đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý tàu cá hoạt động KTTS vi phạm quy định IUU. Thường xuyên phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển chủ động hoặc đề xuất tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng, tham mưu và trình UBND tỉnh 3 đề án thành lập: Cơ quan kiểm ngư, trung tâm đăng kiểm tàu cá, quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi xuất bến, nhập bến. Kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến khi chưa có đầy đủ các điều kiện cần thiết; cử cán bộ, chiến sĩ tham gia túc trực tại các cảng cá để phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động KTTS. Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân, báo cáo Bộ Ngoại giao, kịp thời thực hiện công tác bảo hộ ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ hoặc gặp nạn trên biển.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ven biển thực hiện quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài; đảm bảo các tàu cá ở địa phương KTTS trên biển có đầy đủ các điều kiện, thủ tục cần thiết theo quy định. Không đề nghị xem xét hỗ trợ các chính sách phát triển thủy sản đối với các chủ tàu cá có tàu vi phạm vùng biển các nước. Kiên quyết xử lý hành vi sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện xiếc máy để KTTS; sử dụng tàu thuyền hành nghề đã cấm để KTTS ở vùng ven bờ, vùng lộng trên vùng biển Bình Định.

Phạm Tiến Sỹ

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!