T2, 06/07/2020 11:09

Ngư dân không còn đơn độc

Chưa có đánh giá về bài viết

Mong muốn được hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình vươn khơi bám biển, được “bênh vực” khi bị tấn công, bị đánh đập, quấy phá và cướp bóc tài sản… bấy lâu nay của ngư dân đã thành hiện thực, bởi hiện nay lực lượng Kiểm ngư luôn ngày đêm sát cánh.

Bám biển mưu sinh

Quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ ở những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, mà đó còn là ý chí của nhiều ngư dân trẻ tuổi. Với họ, Hoàng Sa đã trở thành trái tim giữa biển khơi.

Anh Nguyễn Đắc Dĩnh, ngư dân Kiên Giang cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên vùng biển quê hương, ngay khi còn nhỏ, tôi đã được ba má cho ra biển bắt con tôm, con cua ven bờ. Tuy vất vả, nhưng chính biển đã góp phần nuôi tôi cùng các anh chị em trong gia đình khôn lớn từng ngày. Vì vậy, lớn lên, anh em tôi đều chọn biển là nơi mưu sinh và làm giàu. Chắc khó có thể xa dời”. Cùng tâm trạng, ông Huỳnh Quang Vũ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 90133 TS khẳng định: “Gần 25 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, tôi quen từng bãi rạn, hòn đảo nơi đây. Ngư dân chúng tôi bằng mọi giá vẫn bám biển Hoàng Sa”.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ông Nguyễn Quốc Chinh kêu gọi các ngư dân trong nghiệp đoàn tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ồng khẳng định, ngư dân quyết tâm bám biển Hoàng Sa khẳng định chủ quyền, vì Hoàng Sa là một phần xương máu của thế hệ cha ông.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc với Cục Kiểm ngư – Ảnh: Vũ Mưa

Ông Nguyễn Trung Thành (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu QNa 90424 TS với công suất 420 CV gồm 14 lao động bức xúc chia sẻ: “Nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá, tiến hành thả lưới nhưng bị tàu của Trung Quốc hung hãn, phi lý khi xua đuổi. Chúng tôi đành phải bỏ chạy, có khi thất thu cả trăm triệu đồng. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn bám biển vì đó là vùng biển của chúng ta”.

 

Sát cánh cùng ngư dân

Theo Bộ trưởng Bộ NN&TPNT Cao Đức Phát, sự có mặt của hàng trăm ngàn ngư dân trên biển cùng với Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Hải quân đã góp phần ngăn chặn và hạn chế tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời, giúp đỡ ngư dân khai thác có hiệu quả.

Với chức năng kiểm soát, hỗ trợ, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, hải sản hợp pháp của ngư dân, bất luận nắng mưa, bão dông, đối mặt với sự hung hãn của các tàu cá vỏ sắt, tàu hộ tống Trung Quốc, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát Biển vẫn luôn sát cánh bên ngư dân, cùng vui với mỗi mẻ lưới đầy, mỗi con cá to mắc câu.

Trưởng tàu đánh cá QNg 91919 Nguyễn Chí Linh trở về hồ hởi: Chuyến đi biển trước, gần một tháng lênh đênh khi thì biển động, lúc tàu Trung Quốc xua đuổi khi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, cán bộ Kiểm ngư, Cảnh sát Biển như là điểm tựa, là chỗ dựa để ngư dân chúng tôi vững tin, yên tâm sản xuất. Anh Linh tâm sự, cho dù gặp rất nhiều khó khăn, bà con ngư dân vẫn kiên trì cho tàu ra khơi đánh bắt, không chỉ là do nhu cầu mưu sinh mà ai cũng muốn chia sẻ khó khăn với cùng lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng (11.500 tỷ đồng đóng mới 32 tàu các loại cho Cảnh sát Biển, Kiểm ngư và 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ) nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; bảo vệ các lợi ích trên biển của Việt Nam; hỗ trợ và bảo vệ ngư dân; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và các nhiệm vụ quan trọng khác…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!