Nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Chà Và: Phải xử lý dứt điểm ô nhiễm nguồn nước

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm đến nay, cá, tôm, hàu nuôi tại các lồng bè trên sông Chà Và vẫn chết rải rác. Đỉnh điểm là vào giữa tháng 6/2015, hiện tượng cá, tôm chết với mật độ cao hơn. Theo các hộ nuôi, để đưa nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và vào quy hoạch ổn định thì phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Từ giữa tháng 6/2015 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác tại một số bè nuôi trên sông Chà Và. Ông Huỳnh Văn Lành, chủ một bè nuôi cho biết, hiện tượng này xuất hiện nhiều nhất tại tiểu khu 2 và đối tượng chết rải rác đều là cá giống mới thả. “Hiện tượng tôm, cá chết rải rác xuất hiện sau mỗi đợt mưa, khi mưa thì nước chảy từ thượng lưu về rất đen, gây ô nhiễm, làm cá, tôm giống yếu và chết. Bè nuôi của ông Nguyễn Văn Khoa thả 5.000 con cá chẽm giống thì nay chỉ còn 3.000 con. Bè của tôi thả 1.000 con tôm kẹt giống để nuôi, nay chỉ còn 350 con. Thậm chí có những con cá trưởng thành từ 3 đến 4 kg/con cũng bỏ ăn và chết” – ông Huỳnh Văn Lành cho biết.

Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và bền vững, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi, cần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Trong ảnh: Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. 

Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và bền vững, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi, cần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Trong ảnh: Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và.

Tất cả 500 lồng nuôi thủy sản ở tiểu khu 2 trên sông Chà Và đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết. Lo lắng trước tình hình, nhiều hộ nuôi cá lồng bè đã xuất bán cá mặc dù chưa tới ngày thu hoạch. Trước đó, cuối tháng 2/2015, khoảng 30 hộ nuôi tôm kẹt trên sông Chà Và điêu đứng vì tôm chết. Người ít thiệt hại vài trăm triệu đồng, người nhiều thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Những con tôm bị chết đều là những con tôm chuẩn bị xuất bán, đạt trọng lượng 0,4 – 0,5 kg. Cứ mỗi sáng thức dậy, số tôm chết vài chục con, với giá thị trường 800 nghìn đồng/kg, thiệt hại mỗi ngày từ 7 – 8 triệu đồng. Các con tôm chết đều có hiện tượng đen mang, đỏ thân. Theo các hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và, nguyên nhân cá, tôm chết là do nước bị ô nhiễm, các hộ ảnh hưởng đều nằm gần cổng xả số 6 của khu chế biến thủy sản Tân Hải. “Chúng tôi được biết đã có quy hoạch vùng nuôi trên sông Chà Và, tuy nhiên nếu không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước thì tình trạng cá, tôm chết vẫn sẽ còn tiếp diễn. Hầu hết các hộ nuôi thủy sản lồng bè đều vay tiền ngân hàng để đầu tư, nên cá, tôm chết kiểu này khó khăn lại chồng chất” – ông Huỳnh Văn Lành cho biết thêm.

Lo lắng cá chết do ô nhiễm nguồn nước, các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và vội vàng vớt cá bán dù chưa đến kỳ thu hoạch. 

Lo lắng cá chết do ô nhiễm nguồn nước, các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và vội vàng vớt cá bán dù chưa đến kỳ thu hoạch.

Để phát triển việc nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và một cách bền vững, hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến vật nuôi, ngày 26/1/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đến năm 2020. Các hộ nuôi thủy sản cho rằng, đây là việc làm cần thiết để tổ chức vùng nuôi một cách bài bản, hiệu quả, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc ô nhiễm nguồn nước do cống số 6 gây ra. Ông Hoàng Minh Thành, một chủ bè cho biết: “Ai cũng muốn sản xuất ổn định lâu dài, nên đưa vào vùng quy hoạch để nuôi trồng bền vững về sau thì chủ bè nào cũng vui vẻ thực hiện. Các chủ bè sẽ thực hiện đúng quy trình nuôi mà các cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ để nguồn nước không bị ô nhiễm, dẫn đến tình trạng cá, tôm chết triền miên như hiện nay”.

Trong Quyết định số 167, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương sớm triển khai di dời các cơ sở chế biến thủy sản ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành) và khu vực Gò Ông Sầm (TP.Vũng Tàu) theo lộ trình quy hoạch chế biến thủy sản đến năm 2020 đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai đầu tư cải tạo, hút bùn, kim loại nặng và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải, nhằm phục hồi ô nhiễm môi trường tại đầm chứa nước thải khu vực cống số 6 chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước thải do cụm công nghiệp Tân Hải đổ ra.

Nói về đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại khu chế biến hải sản Tân Hải, ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường cho biết, Sở TN-MT đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên xây dựng đề án xử lý ô nhiễm tại Tân Hải bằng biện pháp sinh học. Sở TN-MT cũng đã có báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt phương án thực hiện đề án, dự kiến trong tháng 7 này sẽ tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Sa Huỳnh

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!