T2, 06/07/2020 09:56

Nuôi thủy sản rẻ tiền và hiệu quả – Cách nào?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản; đa dạng sinh học trong từng vùng nuôi được xem là một giải pháp rẻ tiền, hiệu quả kinh tế cao, tạo sự ổn định bền vững môi trường lâu dài.

Thực tế, việc đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản ở Đầm Cù Mông và Vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thời gian qua đã chứng minh điều đó. Khi tạo ra sự đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản một cách phù hợp cũng đồng thời tạo ra sự cân bằng sinh thái tự nhiên cho môi trường sống của các đối tượng thủy sản. Mặt khác, khi đầu tư đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản thì tất cả đều cho thu nhập và thu hồi chi phí đầu tư trực tiếp qua vụ nuôi đến kỳ thu hoạch, chứ không phải chờ thu hồi giá trị khấu hao như những hình thức đầu tư khác mất thời gian dài và hay gặp rủi ro khó lường. Đó là chưa tính đến khi đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản thì có một số đối tượng có khả năng cải tạo môi trường một cách tự nhiên, như các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ: vẹm xanh, tu hài, trai ngọc, sò huyết… hay các loài rong biển như rong sụn, rong câu… có khả năng lọc sinh học trong môi trường nước rất tốt, làm giảm mức độ ô nhiễm hữu cơ ở tầng đáy.

Đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao                 Ảnh: Thanh Ngân

Những mô hình này khi triển khai ra thực tế người dân đều dễ thực hiện, không đòi hỏi đầu tư vốn lớn, kỹ thuật lại đơn giản dễ áp dụng. Tùy theo đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng để tổ chức các hình thức đa dạng đối tượng nuôi trồng cho phù hợp. Chẳng hạn nuôi tôm hùm kết hợp tu hài, vẹm xanh; nuôi tôm hùm kết hợp trồng rong sụn; nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, tôm sú kết hợp vẹm xanh… hay trong cùng một vùng sinh thái có thể nuôi nhiều đối tượng khác nhau ở tầng đáy, tầng giữa, tầng mặt. Có thể tạo sự đa dạng sinh học cho một vùng nuôi trồng thủy sản bằng cách bố trí mỗi tiểu vùng nuôi một hoặc hai đối tượng, tiểu vùng này nuôi tôm, còn tiểu vùng kia nuôi cá rô phi, vẹm xanh… Hoặc bằng cách xen vụ cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn nuôi một vụ tôm, nuôi một vụ cá rô phi để vừa tăng thu nhập vừa cải tạo môi trường… Bằng những cách làm đó chúng ta có thể tạo sự đa dạng về sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa và hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tạo sự cân bằng về mặt sinh thái môi trường.             

>> Tạo được sự đa dạng sinh học trong nuôi trồng thủy sản sẽ là một trong những giải pháp cải tạo môi trường nuôi rẻ tiền, kinh tế cao và bền vững. 

                Nguyễn Khắc Tân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!