Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ là giải pháp tối ưu để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới (Phần I)

Chưa có đánh giá về bài viết

Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua; Những tồn tại và thách thức đối với hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới, để từ đó có chính sách đúng đắn về tổ chức sản xuất, đầu tư kỹ thuật và quản lý theo chuỗi khép kín và hoàn chỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu tôm luôn dẫn đầu so với các mặt hàng thủy sản khác

Kim ngạch xuất khẩu tôm luôn dẫn đầu so với các mặt hàng thủy sản khác

Về sản lượng và giá trị kim ngạch sản phẩm tôm Việt Nam: Kể từ năm 1981 (thời điểm Nhà nước cho phép ngành thủy sản được tự xuất khẩu) đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm luôn dẫn đầu so với các mặt hàng thủy sản khác. Những năm đầu, sản phẩm tôm đánh bắt tự nhiên chiếm ưu thế, nhưng từ 1995 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng tôm nuôi nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Về nhu cầu thị trường: Do những ưu việt của sản phẩm tôm (Hàm lượng Protein cao, nhiều axit amin không thay thế, không gây béo phì, dễ chế biến…) nên được người tiêu dùng ưa chuộng;

Về khả năng sản xuất: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, chỉ phân bổ ở vùng nước nhiệt đới, chủ yếu là ở những quốc gia châu Á và châu Mỹ La-tinh có diện tích đất ven biển thích hợp cho nuôi tôm nước lợ, nên chưa khi nào trên thế giới xuất hiện “Cung” lớn hơn “Cầu”. Trong vài chục năm tới, tình hình cũng sẽ tiếp tục như vậy.

Những thay đổi liên quan đến ngành sản xuất tôm nước lợ của Việt Nam: i) Hiện nay đã có tới 12 đập thủy điện dọc theo dòng sông Mê Kông (sắp tới còn có thể nhiều hơn), làm thay đổi căn bản lượng phù sa và lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu long; ii) Khí hậu biến đổi, điển hình là nhiệt độ tăng; nước biển dâng; xâm nhập mặn ngày càng sâu và kéo dài, trong đó nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng sông Cửu long.

Hội Nghề cá Việt Nam hoàn toàn đồng tình với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp thích ứng đó là: Không trồng lúa và các loại cây ăn trái ở những nơi đã bị mặn hóa, mà thay thế vào đó là phát triển nuôi thủy sản và đối tượng chủ lực được lựa chọn là Tôm sú (Penaeus monodon) và Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Để thực hiện được điều này, chúng ta cần đánh giá chính xác: Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua; Những tồn tại và thách thức đối với hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới, để từ đó có chính sách đúng đắn về tổ chức sản xuất, đầu tư kỹ thuật và quản lý theo chuỗi khép kín và hoàn chỉnh.

Nhằm góp phần vào mục tiêu trên, Hội Nghề cá Việt Nam xin phát biểu ý kiến về các vấn đề dưới đây:

1. QUY HOẠCH LẠI TOÀN BỘ DIỆN TÍCH VEN BIỂN CỦA VIỆT NAM, TRỌNG TÂM  LÀ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1.1. Về nguyên tắc: Chúng ta không chống lại sự biến đổi khí hậu (ví dụ đắp đê ngăn mặn), vì làm như vậy sẽ rất tốn kém và không hiệu quả, mà nên xác định chính xác những yếu tố mới xuất hiện (do quá trình biến đổi khí hậu và tác động của việc ngăn dòng sông Mê Kông làm thủy điện) ở thời điểm hiện nay và dự báo đến 2050 và 2100 để lựa chọn giải pháp thích ứng có hiệu quả nhấtđể quá trình thực hiện được diễn ra theo đúng những giải pháp đã xác định, cần thiết phải bắt đầu từ công tác quy hoạch.

1.2. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể theo từng khu vực lãnh thổ để xây dựng quy hoạch chi tiết của từng tỉnh đến từng vùng nuôi

Biến đổi khí hậu, làm cho nhiệt độ tăng, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, dẫn tới yêu cầu tất yếu là các quy hoạch về nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng đã dược lập trước đây, cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Việc quy hoạch chi tiết nên được thực hiện theo các hướng sau:

a. Vùng nuôi tôm chuyên canh: Tôm – rừng ngập mặn (tôm sinh thái)

b. Vùng nuôi tôm kết hợp: Mùa khô độ mặn lên cao nuôi tôm; Mùa mưa độ mặn giảm thấp trồng lúa

c. Vùng nuôi tôm kết hợp: Mùa mưa độ mặn giảm nuôi tôm; Mùa khô độ mặn tăng cao nuôi Actemia (loại thức ăn của ấu trùng tôm hiện chủ yếu phải nhập ngoại)

d. Vùng nuôi tôm kết hợp: Nuôi tôm chung với các loại thủy sản có giá trị kinh tế

e. Vùng nuôi tôm bao gồm nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ: Quy hoạch đã bị phá vỡ, ô nhiễm hữu cơ và mầm bệnh nặng nề

g. Vùng nuôi tôm công nghệ cao: Các hình thức nuôi tôm Biofloc, Nuôi tôm trong nhà có mái che… được thực hiện ở nơi có đủ điều kiện (diện tích đủ rộng, không bị xen lẫn với nuôi tôm quy mô nhỏ, các trại chăn nuôi động vật trên cạn hoặc các nguồn gây ô nhiễm khác…) 

Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để định hướng trong việc triển khai các vùng nuôi sau này.

>> Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ (Phần II)

>> Phát triển ngành sản xuất tôm nước lợ (Phần III)

TS. Nguyễn Việt Thắng - KS. Nguyễn Tử Cương

Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!