T2, 06/07/2020 12:27

Tín hiệu vui trên vùng chuyên canh sò huyết trên biển Gò Công

Chưa có đánh giá về bài viết

Là hợp tác xã (HTX) thủy sản duy nhất của tỉnh Tiền Giang, HTX thủy sản Phú Tân của xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) quản lý 500 ha đất bãi bồi ở khu vực cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) với 1.050 xã viên là người dân ở địa phương tham gia. Trải qua qua nhiều sóng gió, hoạt động của HTX hiện đang đi vào nề nếp ổn định.

Với tổng diện tích 500 ha đất bãi bồi ở khu vực cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông), HTX thủy sản Phú Tân có được thế mạnh về nuôi và khai thác nguồn lợi nghêu, sò giống được sinh sản tự nhiên. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang là môi trường lý tưởng để loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh sôi, phát triển mạnh, trong đó có sò huyết là một trong những loài hải sản quý, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nằm trong hệ thống các cồn, bãi bồi dọc theo bờ biển Gò Công, cồn Ngang, cồn ông Mão, cồn ông Liễu… được tạo thành bởi dòng nước từ các cửa sông lớn cửa Đại, cửa Tiểu và Soài Rạp đổ ra biển Đông theo chế độ bán nhật triều là môi trường lý tưởng, thuận lợi để con nghêu, sò huyết quần cư phát triển.

Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, nguồn giống tự nhiên sinh sản tại khu vực bãi bồi ở biển Gò Công chủ yếu là nghêu cám và sò giống, mật độ trung bình 15-20 con/dm2 (có nơi 100-150 con/dm2). Mùa đẻ của sò, nghêu là quanh năm, tập trung vào tháng 5, 6 âm lịch, chiếm đến 60% cá thể chín muồi. Mùa đẻ phụ vào tháng 11-12. Hai khu vực tập trung nghêu, sò huyết sinh sản là khu vực cồn ông Mão, ông Liễu (huyện Gò Công Đông) và cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông).

Về HTX thủy sản Phú Tân vào những ngày này, chúng tôi ghi nhận được niềm vui của Ban chủ nhiệm HTX nói riêng cũng như bà con xã viên nói chung sau khi thu hoạch sò huyết giống được giá. Theo thống kê của HTX, tổng số tiền thu được bán sò huyết giống năm nay là 3,8 tỷ đồng. Được biết, cách khai thác sò giống của HTX năm nay là “bán bãi” (quy ra số tiền cụ thể cho một diện tích và quy định thời gian cào cụ thể) nên hạn chế được thất thoát theo kiểu khai thác của những năm trước (tổ chức cho xã viên trực tiếp cào rồi bán đấu giá cho thương lái).

Các ghe của HTX đang tuần tra, bảo vệ khu vực bãi sò giống của HTX.

Hơn nữa, nhờ công tác quản lý sân bãi được tổ chức chặt chẽ nên tránh được bị “bể sân” thương lái có thể lợi dụng việc thỏa thuận này sẽ ào ạt kéo theo nhiều phương tiện vào khai thác, thậm chí có thể lấn sang những khu vực lân cận. Theo ông Trần Ngọc Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, sản lượng sò huyết giống năm nay không nhiều nhưng nhờ giá bán cao, trung bình từ 1,3-1,7 triệu đồng/kg sò huyết giống nên tổng thu năm nay cũng duy trì ở mức xấp xỉ năm ngoái. Hiện nay, sau khi thống nhất của toàn thể xã viên, HTX quyết định tạm ngừng khai thác vì muốn duy trì số sò huyết giống đang sinh sản đợt này để “làm nền” (để làm sò huyết bố mẹ cho những đợt sinh sản sau hoặc sẽ khai thác sò huyết thương phẩm)…

Kết quả khảo sát tình hình sân bãi cho thấy: Lượng nghêu khu vực bãi Gốc 20 ha có mật độ 1-2 con/m2 với kích cỡ 40-50 con/kg. Lượng sò khu vực bãi sà lan (21ha) có mật độ là bình quân 3-4 con/m2 với kích cỡ 70-80 con/kg đối với sò bố mẹ; mật độ bình quân 1-2 con/m2 với kích cỡ 150 con/kg đối với lượng sò trung (diện tích khoảng 30 ha).

Theo các thương lái mua sò giống, sò huyết Gò Công được đánh giá là giống tốt nhất trong toàn quốc vì tỷ lệ sống cao (80%) cũng như sò thịt nổi tiếng ngon về chất lượng thịt, hình dáng đẹp… Vì vậy, các thương lái ở nhiều nơi thường đổ xô về Gò Công về để đặt mua sò huyết giống với giá rất cao. Chính điều này đã làm một số đối tượng xấu nảy sinh lòng tham, lén lút cào trộm sò huyết và nghêu giống để bán.

Sau vụ “nghêu tặc” tấn công vào các sân nghêu vào các năm 2004, 2005, 2006 thì đến nay, mặc dù có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nhưng nạn cào trộm nghêu, sò giống vẫn còn lén lút tái diễn. Do vậy, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực sò giống, HTX cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Phú Tân phân công một tàu biên phòng cùng tổ công tác ra ứng trực, phòng ngừa những trường hợp các đối tượng cào sò giống trộm hung hãn, tấn công lực lượng bảo vệ. Bên cạnh đó, đội bảo vệ của HTX phải trực, kiểm tra 24/24h vì khu vực quy hoạch vùng sinh nghêu, sò huyết giống của HTX nằm xa đất liền. Lực lượng bảo vệ bố trí luân phiên thường xuyên trực ở các chốt nhằm kịp thời phát hiện, xua đuổi những đối tượng vào cào trộm sò giống của HTX.

Ông Trần Ngọc Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Sau một thời gian liên tiếp xảy ra sự cố tiêu cực trong HTX, đến nay HTX thủy sản Phú Tân đã đi vào ổn định để phát triển. Ngày 3/8/2016, HTX đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội đại biểu thành viên HTX thủy sản Phú Tân nhiệm kỳ III (2016 – 2020). Tại đại hội, 100% đại biểu thành viên HTX đã thống nhất tán thành phương án khai thác – nuôi trồng – kinh doanh nhiệm kỳ III (2016 – 2020). Trong đó, tập trung vào sử dụng nguồn giống từ nguồn sò thịt khu vực bãi sà lan thu hoạch năm 2015 được giữ lại làm sò bố mẹ năm 2016; mỗi năm thu gom sò trung từ khu vực 21 ha thả lại tại bãi sà lan làm sò bố mẹ; nuôi nghêu tại khu vực bãi Gốc với diện tích thả 50ha và bãi sà lan có diện tích là 50ha… HTX cũng đã cử cán bộ HTX tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn nhằm nâng cao trình độ quản lý và điều hành ngày càng đạt hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, HTX vẫn còn một số vướng mắc về việc đề nghị được quản lý diện tích rừng phòng hộ gần khu vực sân bãi của HTX. “Hội đồng quản trị đã gửi kiến nghị Sở và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét chấp thuận cho HTX quản lý khu vực rừng phòng hộ quanh khu vực sân bãi HTX để tiện cho việc quản lý, phát hiện, ngăn chặn người xấu lợi dụng xâm nhập vào chặt phá rừng và vào sân bãi của HTX nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời!…”, ông Chí cho biết thêm.

Nguồn sò huyết, nghêu giống sinh sản tại các cồn bãi trên biển Gò Công là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương mà không phải nơi nào cũng có được. Song, để có lượng sò giống cũng như sò thịt dồi dào, cái khó là làm sao có được môi trường sinh thái trong lành để chúng quần cư sinh sản. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản cũng như chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp tích cực hơn trong công tác quản lý, bảo tồn nguồn lợi thủy sản địa phương được bền vững; đồng thời hỗ trợ người dân vùng biển (cụ thể là HTX thủy sản Phú Tân) cùng phát huy sức mạnh của quan hệ sản xuất tập thể, khai thác ngày càng tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

Ông Đinh Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể liên quan phối hợp với HTX thủy sản Phú Tân tăng cường biện pháp tuyên truyền cho bà con xã viên về ý thức bảo vệ và khai thác nguồn lợi trên khu vực bãi bồi mà HTX thuê của huyện; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm giữ gìn trật tự trên vùng bãi bồi và khai thác hiệu quả sò giống, hạn chế thất thoát, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con xã viên.

Nguyễn Hữu

Tiền Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!