Vùng đất ngập nước ở Côn Đảo là một trong 10 khu rừng ngập mặn của Việt Nam, nơi đây đang là chỗ cư trú của nhiều loại sinh vật rừng, biển quý hiếm. Vườn quốc gia Côn Đảo cũng đã tham gia Công ước Ramsar để bảo tồn khu rừng này tránh khỏi những nguy cơ đang đe dọa bởi tác động của môi trường.
Đa dạng sinh thái đất ngập nước
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000ha đất ngập nước (ĐNN), trong đó có khoảng 2.113ha vùng ĐNN mặn ven biển gồm các vịnh nông khi triều thấp, các khu vực bờ biển, ven biển có đá, cát, sỏi, vùng có rừng ngập mặn. Vùng ĐNN ở Côn Đảo có giá trị và chức năng giữ nước ngọt cho đảo, chống lũ lụt, giúp ổn định đất ven bờ và kiểm soát lở đất, giữ lại chất dinh dưỡng và lắng đọng độc tố trong đất. Các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, đang là nơi trú ngụ của nhiều loài vật biển quý hiếm như bò biển (dugong), rùa biển, một số loài chim di cư… Vùng đất này là nơi sinh sống của gần 1.500 loài sinh vật, trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế, dược liệu, nghiên cứu khoa học.
Cán bộ khu bảo tồn Vườn quốc gia Côn Đảo kiểm tra sức khỏe bò biển (dugong), một trong những hoạt động chăm sóc và bảo tồn sinh vật biển.
Trong số các vùng ĐNN ở Côn Đảo, rừng ngập mặn có diện tích hơn 30ha, là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam. Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau với diện tích không lớn nhưng đa dạng, khu vực lớn nhất khoảng 5,9ha, nhỏ nhất khoảng 0,5ha. Hiện nay, thực vật ở rừng ngập mặn Côn Đảo có khoảng 46 loài cây được định danh, trong đó có 3 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi, cóc đỏ, quao nước và 2 loài chưa được công bố trong danh sách các loài cây rừng ngập mặn Việt Nam là cây xu rum phi và cây vẹt hainesii.
Bảo tồn và sử dụng hợp lý
Tuy nhiên, vùng ĐNN ở Côn Đảo đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người. Hoạt động khai thác cát ở các đồi ven hồ nước ngọt gây phá hủy thảm thực vật, cát theo dòng chảy hoặc bay xuống làm cạn lòng hồ, làm giảm đi chức năng tích trữ nước ngọt. Việc khai thác, đánh bắt quá mức hệ động thực vật ngập mặn… dẫn đến mất khả năng phục hồi tự nhiên của hệ động vật dưới nước. Nguồn nước thải chưa được xử lý, rác thải sinh hoạt đổ ra các thủy vực làm ô nhiễm đất ngập nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, diệt cỏ để làm nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và hệ động, thực vật thủy sinh.
Để ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực nêu trên, hiện nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp và tham gia nhiều tổ chức quốc tế thực hiện các dự án bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển. Gần đây nhất là Vườn quốc gia Côn Đảo đăng ký tham gia và được đưa vào danh sách bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý vùng ĐNN theo Công ước Ramsar. Ông Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Côn Đảo) cho biết, Công ước Ramsar về ĐNN có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Công ước này coi chức năng sinh thái cơ bản của các vùng ĐNN như là nơi điều hòa chế độ nước và nơi cư trú cho một hệ động thực vật đặc trưng. Công ước này là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc quy hoạch các khu bảo tồn biển trên các vùng ĐNN. Hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo đang thực hiện dự án nâng cao nhận thức về công ước này và nâng cao năng lực quản lý ĐNN, ĐNN ven biển tại Côn Đảo nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của vùng ĐNN ở Côn Đảo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác bảo tồn rừng ngập nước ven biển…
>> Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước (ĐNN), với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng ĐNN cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay và trong tương lai; công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng ĐNN và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. Hiện nay, hơn 2.000 vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế được công nhận thành khu Ramsar, cần được bảo vệ đặc biệt với diện tích hơn 1,85 triệu km2, trong đó vùng ĐNN Côn Đảo đã được công nhận 7 tiêu chí trở thành khu Ramsar. |