Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà, xây dựng bể xi măng để thực hiện thành công mô hình nuôi lươn cho thu nhập khá.
Mô hình mới
Năm 2013, Hội Nông dân xã Phú Thành A thành lập tổ nuôi lươn gồm 15 hội viên xây dựng 30 bể xi măng nuôi lươn. Từ năm 2014 đến nay, tổ nuôi lươn đã nâng lên 20 hội viên, mở rộng thêm 20 bể và được Quỹ đầu tư Hội Nông dân Đồng Tháp hỗ trợ 300 triệu đồng vốn vay. Hộ vay thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất là 30 triệu đồng. Lãi suất 0,7%/tháng, cứ mỗi 3 tháng đóng lãi một lần, thời hạn thanh toán vốn là 24 tháng. Trung bình, mỗi đợt nuôi từ 7 – 9 tháng, nông dân trong tổ đã xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Ông Đinh Văn Phú – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành A cho biết: Các hộ nuôi đều thu hoạch, đều có lợi nhuận. Mỗi một bồn lợi nhuận trên 10 triệu đồng”.
Ông thiết kế bể nuôi lươn rất đơn giản bằng cách xây tường xi măng lên cao 9 tấc trên một khoản sân trống hình chữ nhật cạnh nhà, có thể thay nước dễ dàng. Năm 2014, ông Phạm Văn Chuối ở ấp Long Thành, xã Phú Thành A xây một cái bể trên diện tích 240 m2, bên trong bể ông phân chia làm 16 cái bồn, mỗi bồn 15 m2. Phía đáy bể, ông phủ một lớp bùn cao 1,5 – 2 tấc, rồi bơm nước vào bể và thả lươn giống vào nuôi. Bốn gốc dưới đáy bể ông trang bị bốn bó cây dùng để thức ăn cho lươn. Bên trên mặt nước bể được phủ kín bởi một mảng lục bình, rau muống và các loại cây bắp sau thu hoạch… để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi và trú ẩn. Mỗi gốc bể chừa một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn ăn. Cuối tháng 9/2014, trong 16 cái bồn, ông Chuối thả nuôi 900 kg lươn giống.
Ông Phạm Văn Chuối bên bể nuôi lươn của gia đình
Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được ông Chuối sử dụng là cá tạp, cua, ốc bươu vàng được nấu chín trộn với bộn gòn và thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm… Lúc đầu, ông thả lươn giống vào bể ương nuôi. Một tháng sau, ông tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh được ương nuôi trong môi trường khắc nghiệt, rồi thả đều khắp vào 16 cái bồn để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn.
Lợi nhuận cao
Theo ông Chuối thì cứ đầu tư khoảng 3,5 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm. Bên cạnh đó, ông Chuối còn thường xuyên thay nước bồn nuôi lươn, chăm sóc đàn lươn nuôi thật chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho lươn kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công… nên sau 8 tháng nuôi, ông Chuối cho tát 13 bồn và thu hoạch được hơn 3 tấn lươn thương phẩm, bán giá dao động 137.000 – 147.000 đồng/kg, thu nhập trên 437 triệu đồng. Trừ chi phí, ông Chuối còn lãi hơn 117 triệu đồng! Ông Phạm Văn Chuối hiện còn đang nuôi 2.400 con lươn trong 3 bồn xi măng cạnh nhà. Bình quân mỗi con đạt trọng lượng 200 – 250 g và đang chờ giá lên cao để tiếp tục bán…
Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…
>> Ông Đinh Văn Phú – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành A: Thời gian tới, Hội Nông dân xã có thể nhân rộng thêm các tổ nuôi lươn trên địa bàn xã và đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ thêm kỹ thuật để giúp nông dân an tâm trong việc chăn nuôi. |