(Thuỷ sản Việt Nam) – Để đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,5 tỷ USD cho năm 2012, phải vượt qua nhiều thách thức. Có ba thách thức lớn: thiếu nguyên liệu, thị trường thu hẹp, an toàn thực phẩm. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thách thức lớn nhất là an toàn thực phẩm. Đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành thủy sản Việt Nam, từ sản xuất nhỏ đi lên, thường bị các đối thủ cạnh tranh nước ngoài khai thác.
Trong vấn đề an toàn thực phẩm, khó khắc phục nhất là dư lượng kháng sinh. Bởi chất kháng sinh không chỉ có trong chế biến, bảo quản mà cả trong nuôi trồng và đánh bắt. Hiện nay, người nuôi sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học chủ yếu theo kinh nghiệm hoặc tư vấn tiếp thị của nhà cung cấp. Tàu đánh bắt xa bờ cũng có thói quen dùng kháng sinh để bảo quản, với liều lượng chủ yếu theo cảm tính. Trong khi đó, danh mục các loại hóa chất, chế phẩm sinh học không được sử dụng lại tổng hợp chưa đầy đủ và công bố không rộng rãi, khiến công tác quản lý gặp khó khăn.
Nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về chủ yếu vì dư lượng kháng sinh. Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2011, riêng với cá tra, Bộ NN&PTNT nhận được khá nhiều cảnh báo từ cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu. Với các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, các thị trường đã cảnh báo 40 lô. Các chỉ tiêu chủ yếu bị cảnh báo là Trifluralin (10 lô), Fluoroquinolones (16), SEM (5 lô), Marachite Green (5 lô)… Những doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu điều tra, khắc phục, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm vùng giám sát.
Tình hình đó báo động, thủy sản nước ta sẽ được các nước nhập khẩu tăng cường kiểm soát về an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP chế biến Thủy sản Út Xi (Sóc Trăng), cho biết, thị trường EU và Nhật Bản đang kiểm soát rất chặt chẽ, khiến xuất khẩu tôm sang EU đã giảm tới 50%. “Còn thị trường Nhật Bản, nếu không kiểm tra 100% lô hàng thì chúng tôi không dám xuất”, ông Tuấn Anh nói. Chi phí cho một lô hàng bị trả về là rất lớn, chưa kể hàng không bán được, uy tín doanh nghiệp cũng không còn.
Cơ quan quản lý nước ta đang tăng cường kiểm soát từng lô hàng trước khi xuất khẩu, để bảo vệ uy tín thủy sản Việt Nam, tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang “kêu như bọng”. Bởi chi phí tốn kém, mất thời gian, và không có giá trị với một số thị trường. Các doanh nghiệp cho rằng, cần tăng cường kiểm soát từ chế biến, hơn thế, từ nuôi trồng theo hệ thống chứng nhận VietGAP.
Đó chính là quản lý chuỗi, một vấn đề đã được đề cập mấy năm nay. Đầu năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát một lần nữa khẳng định: “Quản lý chuỗi vừa mang lại hiệu quả cao nhất vừa giảm nhẹ chi phí đến mức tối đa cho doanh nghiệp. Đó cũng là ý kiến chỉ đạo nhất quán của Chính phủ trong phát triển ngành thủy sản”.
Sáu Nghệ