Rộng thị trường từ chứng nhận sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

Thế giới đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản sinh thái. Với con nghêu, việc được cấp chứng nhận MSC rất quan trọng, giúp mở rộng cánh cửa xuất khẩu. Đây là yếu tố cần thiết vì nghêu là một trong bốn sản phẩm nuôi chủ lực của thủy sản Việt Nam.

Thúc đẩy liên kết

Không chỉ có diện tích lớn nhất, toàn bộ vùng nuôi nghêu ở Bến Tre còn được cấp chứng nhận MSC đầu tiên vào năm 2009; đây là một chứng nhận cho sản phẩm thủy sản được khai thác từ một ngư trường bền vững, quản lý tốt và khai thác có trách nhiệm. Hiện nay, MSC là là nhãn sinh thái được ưa chuộng nhất trên thế giới và có thị trường trên 100 quốc gia. Nói về thị trường nghêu, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (LSV) khẳng định, nhu cầu sản phẩm nghêu trong nước và thế giới còn rất lớn, nhưng có trên 80% khách hàng thế giới muốn mua hàng nghêu có chứng nhận MSC, nên để xâm nhập tốt các thị trường ngành nghêu cần nỗ lực để đạt chứng nhận này.

nghêu mất giá

Ảnh minh họa

Cộng đồng nghề nghêu ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh mặc dù có nơi đã đạt và nơi đang hoàn thiện để đạt chứng nhận MSC nhưng một trong những khó khăn gặp phải là chưa chủ động được khâu tiêu thụ, giá bán bấp bênh, các giá trị của việc khai thác bền vững chưa được nhân rộng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường nghêu. Xuất phát từ những vấn đề trên, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/Tre tại Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ (2018 – 2022) thúc đẩy tiến đến ký kết liên kết chuỗi nghêu theo tiêu chuẩn MSC giữa Lenger và vùng nuôi nghêu của 3 tỉnh trên. Ông Nguyên chia sẻ: “Lợi thế của vùng nuôi nghêu ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh hay Bạc Liêu so với khu vực phía Bắc là có thể nuôi về size lớn khoảng 25 – 45 con/kg. Vì vậy, Công ty sẽ tạo điều kiện và cam kết để người nuôi yên tâm kéo dài thời gian nuôi nhằm thu hoạch nghêu cỡ lớn, nhưng phải đạt chứng nhận MSC”.

 

Tất yếu để phát triển

Bà Trần Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm FACOD cho rằng, sản lượng nghêu biến động cho thấy một thực trạng là tính bền vững của nghề nghêu chưa cao. Cho nên, đây là lúc mà tất cả các bên trong chuỗi cần quay lại từ đầu để hoàn chỉnh hệ thống, từ khâu bàn chiến lược cho đến những bước đi, nhiệm vụ cụ thể của từng khâu… theo nguyên tắc: làm thật, nói thật. Bà Nga lưu ý: “Trong điều kiện hiện nay, thương hiệu phát triển bền vững là rất quan trọng, nhất là đối với thủy sản. Vì vậy, tất cả các khâu trong chuỗi đạt chứng nhận MSC thì sản phẩm mới được dán nhãn MSC”.

Ông Phạm Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, nghề nuôi nghêu tại Tiền Giang đã có từ trước năm 1975, nhưng do thị trường hẹp, giá trị không cao, nên dù chất lượng nghêu Gò Công luôn được đánh giá là thơm ngon nhất nghề nuôi nghêu vẫn không phát triển được. Hiện, diện tích nghêu của tỉnh khoảng 2.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 10.000 – 12.000 tấn và diện tích nuôi có thể phát triển lên 5.000 ha. Năm 2012, nghêu Gò Công được cấp nhãn hiệu chứng nhận và hiện ngành chức năng đang khắc phục một số tồn tại để tiến tới đạt chứng nhận MSC như ở Bến Tre. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là thu nhập của người nuôi nghêu còn bấp bênh do sản phẩm khai thác chủ yếu bán cho đại lý, thương lái. Vì vậy, việc liên kết tiêu thụ nghêu đạt chứng nhận sẽ đưa nghề nuôi nghêu phát triển ổn định và bền vững.

Đại diện các HTX nuôi nghêu cho biết sẵn sàng hợp tác thực hiện liên kết chuỗi theo các yêu cầu để đạt được chứng nhận MSC. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX Thạnh Lợi (Bến Tre): “Chu kỳ con nghêu rất dài, nên để cung ứng đều đặn cho doanh nghiệp cần sự liên kết giữa các HTX với nhau để có kế hoạch sản xuất phù hợp”.

>> Hiện, cả nước có khoảng 40.685 ha nuôi nghêu. Ở ĐBSCL hầu hết các tỉnh đều có thể nuôi nghêu, nhưng theo số liệu năm 2019 thì Bến Tre là tỉnh có diện tích lớn nhất với 2.873 ha, kế đến là Tiền Giang với 1.950 ha và Trà Vinh là 460 ha. 


An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!