(TSVN) – Thực hiện một cách đồng bộ các chủ trương và chiến lược phát triển giai đoạn 2016 – 2020, ngành thủy sản đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để phát triển. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng của ngành thủy sản Việt Nam ước đạt 45%.
Hoạt động khoa học công nghệ thủy sản đã được quản lý theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn để giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tế sản xuất. Kết quả hoạt động khoa học đã góp phần quan trọng cho quản lý và phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tác động đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất của ngành.
Trong khai thác hải sản, kết quả cập nhật biến động nguồn lợi hải sản là cơ sở khoa học cho xây dựng Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2021 – 2030; kết quả nghiên cứu về tàu thuyền, hệ thống bảo quản sản phẩm đã góp phần hiện đại hóa tàu cá và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Trong NTTS, các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống, cải tiến quy trình nuôi và quản lý môi trường, phòng trị bệnh đã góp phần tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng giống một số loài chủ lực; cá tra, tôm nước lợ, cá rô phi, tôm càng xanh, cá chẽm đã được cải thiện rõ ràng, tốc độ sinh trưởng trung bình đạt từ 4,2 – 11,3%/thế hệ. Giống cá tra và TTCT kháng bệnh đã bắt đầu được chọn tạo và cho kết quả khả quan. Quy trình công nghệ nuôi TTCT ứng dụng công nghệ Biofloc, hệ thống tuần hoàn nước đã được tạo ra và ứng dụng rộng rãi, giúp giảm chi phí thức ăn (FCR khoảng 0,92) và hạn chế dịch bệnh. Tỷ lệ sống cá tra giống đã được cải thiện đáng kể, đạt 36%; công nghệ nuôi cá tra bền vững ATTP đạt năng suất >300 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt >70%, FCR đạt <1,55.
Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ thủy sản. Ảnh: Phan Thanh
Công nghệ sản xuất giống cá biển ngày càng được hoàn thiện, có thể cung cấp đủ giống cho nuôi thương phẩm. Công nghệ nuôi cá biển trong lồng nhựa HDPE quy mô công nghiệp đã được cải tiến và ứng dụng thành công tại Việt Nam. Quy trình công nghệ nhân giống rong sụn bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đã được nghiên cứu thành công ở Việt Nam sẽ hỗ trợ quá trình phục tráng nguồn rong và nhân giống chất lượng phục vụ trồng rong thương phẩm.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, 17 kết quả nghiên cứu đã được đánh giá và công nhận là tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao, ứng dụng và thực tế sản xuất. Một số tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất như: Nuôi TTCT thâm canh 2 giai đoạn, hệ thống tời thủy lực trên tàu lưới chụp, quy trình nuôi tôm hùm trong lồng… Một số tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng và sẽ được áp dụng rộng rãi trong giai đoạn tới như: Bảo quản sản phẩm bằng đá sệt, nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE, nuôi tôm thâm canh giảm chất thải…
Hoạt động khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ thủy sản nói riêng đã được đổi mới, phát triển theo hướng hiệu quả thực tế và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực, nhân tố quyết định thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường. Một số nguyên nhân, trở lực chủ yếu của hoạt động khoa học công nghệ thủy sản đó là:
– Cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học bất cập: Hoạt động khoa học công nghệ thủy sản được thực hiện trong nhiều chương trình do nhiều cơ quan quản lý khác nhau; thiếu cơ sở dữ liệu được cập nhật và thiếu đầu mối điều phối thống nhất. Vì vậy, nhiều nội dung nghiên cứu bị trùng lặp, thiếu kết nối và kế thừa nên hiệu quả của hoạt động khoa học còn chưa cao. Hơn nữa, cơ chế đặt hàng, xác định nhiệm vụ khoa học còn chưa xuất phát hoặc ít gắn kết với thực tế sản xuất. Sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế.
– Tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế: Nhân lực khoa học công nghệ thủy sản còn yếu, cơ cấu cán bộ khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư <1%, trình độ tiến sĩ khoảng 10%. Hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm và hạ tầng phục vụ nghiên cứu thiếu và không đồng bộ. Ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ thủy sản còn hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển và đóng góp của ngành thủy sản vào nền kinh tế.
– Tác động của biến đổi khí hậu: Diễn biến thời tiết cực đoan, mưa nghịch mùa, năng nóng kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào đất liền, axit hóa đại dương… đã tác động đến mọi quá trình sản xuất thủy sản, làm thay đổi tính di cư và kết đàn của sinh vật biển, xuất hiện nhiều địch hại, sự cố môi trường và dịch bệnh xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát hơn.
– Tập quán và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Để tháo gỡ những bất cập trên, cần tăng cường kết nối và điều phối hiệu quả: Xây dựng hệ thống thông tin khoa học công nghệ và hình thành cơ chế điều phối hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ thủy sản ở các cấp, các chương trình và các nguồn tài trợ để đảm bảo tính kế thừa, gắn kết, tránh trùng lặp gây lãng phí. Gắn kết nghiên cứu khoa học tại các cơ sở nghiên cứu và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.
Cùng đó, đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học: Gắn nghiên cứu với phát triển và chuyển giao công nghệ để tăng cường tiềm lực khoa học cho các cơ sở nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Triển khai các chương trình, đề án gắn nghiên cứu với đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao để đầu tư và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại. Cân đối lại nguồn lực phân bổ cho hoạt động khoa học công nghệ thủy sản tương xứng với tiềm năng và tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế.
Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, tham gia vào quá trình nghiên cứu và nhận chuyển giao, sử dụng kết quả nghiên cứu. Định hướng các nhiệm vụ khoa học công nghệ tập trung vào nghiên cứu tạo ra các sản phẩm chủ lực, công nghệ tiên tiến có khả năng thương mại hóa cao. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các diễn đàn để trao đổi thông tin, kết nối cung – cầu khoa học công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trao đổi, cập nhật học thuật, tiến bộ công nghệ trên thế giới.
Vũ Duyên Hải
Tổng cục Thủy sản