(TSVN) – Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự thảo Chương trình quốc gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 (thuộc Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo đó, mới đây, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản); Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp tổ chức đối thoại trực tuyến chia sẻ thực hành đồng quản lý tại khu vực Duyên hải miền Trung.
Đối thoại nhằm mục tiêu cập nhật chính sách và tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hành đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kết nối mạng lưới thực hành đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản khu vực Duyên hải miền Trung.
Theo đó, rất nhều giải pháp được các đại biểu đưa ra như: Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng ven bờ của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển phù hợp với nhu cầu của người dân; Tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các cấp quản lý với các bên liên quan và đặc biệt là cộng đồng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Triển khai Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thu hút các nguồn tài chính của xã hội để hỗ trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chăm sóc san hô sau khi trồng phục hồi. Ảnh: Xuân Ái
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang thuộc Ban Quản lý vịnh Nha Trang (UBND TP Nha Trang) và Khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa được Chính phủ phê duyệt. Với sự tài trợ của dự án CRSD, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 15 mô hình đồng quản lý nghề cá tại 15 xã, phường ven biển với gần 2.000 hộ ngư dân có tàu công suất <20 CV đồng thuận tham gia. Các mô hình này đã phát huy vai trò gắn kết cộng đồng ngư dân; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; ngăn chặn, tiến tới loại bỏ nghề cấm trong khai thác thủy sản. Mỗi năm, các tổ đồng quản lý đã phối hợp thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra trên biển nhằm ngăn chặn những phương tiện hoạt động nghề cấm trong các vùng đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và giao UBND TP Hội An làm chủ Dự án thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam do Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ; thực hiện tại xã Tân Hiệp từ tháng 2/2021 – 12/2022 với tổng vốn viện trợ không hoàn lại gần 18 tỷ đồng. Theo đó, Dự án sẽ sản xuất và lắp đặt 300 khối rạn nhân tạo dưới biển để tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh vật; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức 4 đợt tập huấn cho cán bộ địa phương tại Hàn Quốc và Cù Lao Chàm; hỗ trợ trang thiết bị nghiên cứu biển cho Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm quản lý và vận hành mô hình; xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng tại địa phương. Dự án nhằm tái tạo hệ sinh thái ven biển thành phố Hội An, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tạo ra nguồn lợi thủy sản bền vững thông qua mô hình quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản bằng rạn nhân tạo. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, đồng quản lý bảo tồn biển đã được áp dụng thành công ở Cù Lao Chàm như là hình mẫu trong bảo tồn biển của cả nước và khu vực nên sẽ được vận dụng phù hợp với ngư dân Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên.
Thời gian qua, Hiệp hội Thủy sản Bình Định đã chủ trì triển khai thực hiện Dự án: “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn”. Dự án đã hỗ trợ cộng đồng địa phương thành lập các Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của 4 xã ven vịnh Quy Nhơn và giúp xây dựng phương án đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại một số khu vực biển có hệ sinh thái rạn san hô theo Luật Thủy sản 2017. Đến nay 4 Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được thành lập trên địa bàn 4 xã/phường thuộc khu vực biển vịnh Quy Nhơn là Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng. Đồng thời, được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại 4 khu vực biển thuộc vịnh Quy Nhơn là: Bãi Dứa, xã Nhơn Lý với diện tích 8,02 ha và khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải với diện tích 12,043 ha; khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng với diện tích 5,83 ha; khu vực Bãi Trước xã Nhơn Châu với diện tích 20,24 ha.
Hồng Hạnh