T2, 06/07/2020 10:29

Bình Định: Cảng cá Tam Quan với nỗi lo quá tải

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2010, cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), được Chính phủ đầu tư kinh phí để xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trong khu vực và đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá tại địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời gian qua, cửa biển, luồng lạch ra vào khu neo đậu tàu thuyền thường xuyên bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ hậu cần không đảm bảo, thiếu nơi tập kết thủy sản… đã và đang gây nhiều khó khăn cho ngư dân.

Khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan bị cát bồi lấp nặng

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tổng số tàu thuyền toàn huyện có 2.395 chiếc. Các tàu thuyền của địa phương chủ yếu hành nghề khai thác câu cá ngừ đại dương, câu mực hoặc lưới vây ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1. Sản lượng hải sản mua bán thông qua cảng cá Tam Quan trung bình trên 10.000 tấn/năm. Chính vì vậy, hằng ngày, lưu lượng tàu cá có nhu cầu ra vào cảng neo đậu, trung chuyển hàng hóa, sản phẩm và tiếp nhiên liệu là rất lớn. Trong khi đó, sức chứa của khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan chỉ khoảng 1.200 chiếc khiến cảng cá luôn ở trong tình trạng quá tải.

Khó khăn nhất là vào thời điểm đầu hoặc giữa tháng âm lịch mỗi tháng, thời điểm thủy triều lên, do lượng tàu thuyền chen chúc nhau xuất bến ra khơi đánh bắt cũng như lượng tàu cá vào khu neo đậu để bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu đông đúc; trong khi, khu neo đậu lại quá chật hẹp dẫn đến nhiều chủ tàu tranh chấp vị trí neo đậu rồi xảy ra cãi vã, xô xát nhau. Nguy hại hơn, mỗi khi ra khơi trên mỗi tàu cá chuẩn bị hàng ngàn lít dầu diezel, cùng một số vật dụng khác rất dễ bén lửa như bình gas, bình ắc quy, xốp… nhưng công tác phòng cháy chữa cháy tại khu neo đậu chưa được chủ tàu quan tâm đúng mức nên nguy cơ xảy ra hỏa hoạn là rất cao.

Một khó khăn khác đang diễn ra tại cảng cá Tam Quan là mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu cá địa phương và các vùng phụ cận vào bán hải sản, tiếp nhiên liệu và lấy vật tư để tiếp tục ra khơi đánh bắt. Thế nhưng, hệ thống dịch vụ hậu cần như cơ sở chế biến, kho lạnh… tại khu neo đậu vừa thiếu vừa không đảm bảo nên mỗi lần tàu thuyền về bán sản phẩm; xe vận chuyển, thu mua sản phẩm ra vào cảng đều thực hiện luôn công việc sơ chế, ướp đá tại chỗ. Tất cả đồ thải đọng tạo thành những vũng nước đen đặc, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tàu thuyền chen chúc neo đậu tại cảng cá Tam Quan

Theo thống kê của ngành chức năng, dọc theo hai bên khu neo đậu tàu thuyền của cảng cá Tam Quan hiện có đến 9 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương (trong đó có 3 doanh nghiệp và 6 cơ sở thu mua nhỏ của tư nhân); trên 30 cơ sở sản xuất đá lạnh nhưng hầu hết đều không có bể xử lý nước thải. Do vậy, tất cả rác thải, nước thải chưa qua xử lý đều được xả trực tiếp xuống khu neo đậu càng khiến môi trường cảng cá trở nên ô nhiễm hơn.

Đáng quan ngại, cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan tính từ kè đá đến núi Trường Xuân rộng khoảng hơn 150m liên tục bị cát bồi lấp khiến luồng lạch nơi đây bị trơ cạn dần. Nhiều đoạn lạch cửa biển độ sâu nước để đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào cảng chỉ còn chưa tới 2m, diện tích cửa biện rộng 150 hiện tại chỉ trên dưới 30m nằm ở phía núi Trường Xuân khiến nhiều tàu cá có công suất 90CV trở lên gặp khó khăn khi lưu thông ra vào cảng. Thậm chí, nhiều tàu cá còn bị mắc cạn và bị sóng đánh hất văng vào bờ kè gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho bà con ngư dân. Như tàu cá BĐ 51292 TS, công suất 60 CV của ngư dân Bùi Xuân Toàn (ngự thôn Tân Thành 2) khi chở hơn 2 tấn cá ngừ đại dương vào cảng Tam Quan đã mắc cạn rồi bị sóng đánh chìm xuống đáy biển gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Chung – Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trước tình trạng quá tải ở khu neo đậu và vấn nạn cát bồi lấp cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan, UBND huyện Hoài Nhơn đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh có biện pháp giúp địa phương khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Tam Quan như: Cảng cá, kho lạnh và hệ thống sơ chế biến cá, hệ thống cung cấp nước, xăng dầu đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân an tâm sản xuất. Hiện các phương án xây dựng dịch vụ hậu cần, chống nạn bồi lấp cát đang được các ngành chức năng nghiên cứu để triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

>> Trong 3 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện, ngân sách xã và sự đóng góp của ngư dân, UBND xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đã đầu tư trên 4,3 tỉ đồng để nạo vét, khơi sâu luồng lạch tạo điều kiện để tàu thuyền ra vào cảng an toàn. Từ đầu năm đến nay, đơn vị thi công đã nạo vét, đưa lên bờ 32.215 m3 cát với tổng chi phí nạo vét cát bồi lấp gần 2 tỉ đồng; trong đó, kinh phí do tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng, còn lại là nguồn của huyện và xã. Tuy nhiên, việc nạo vét cát bồi lấp hiện chỉ là giải pháp tạm thời.

Đông Sơn

Báo Điện tử QĐND

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!