Năm 2018, vợ chồng ông Lại Văn Võ và bà Hồ Thị Hiền (ở thôn Trung Xuân, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá chua trên diện tích ao rộng 2.700 m2. Nếu như nuôi tôm, vợ chồng ông Võ thu nhập thất thường, có vụ lỗ vì tôm bệnh, không đạt năng suất thì từ khi chuyển sang nuôi cá chua mọi thứ thuận lợi hơn, thu nhập lại ổn định.
Bà Hiền kể: “Tháng 4 âm lịch vừa rồi, vợ chồng tôi đầu tư 15 triệu đồng mua 3.000 con cá giống về thả nuôi. 4 tháng sau thu được khoảng 1,3 tấn cá chua thương phẩm. Nếu để thêm tầm 2 tháng nữa, cá lớn hơn, được giá hơn nhưng vợ chồng tôi lo bão lụt thất thường, gây ảnh hưởng nên tính chuyện ăn chắc. Vì vậy, mỗi con cá chua chỉ nặng tầm 6 lạng. Dù vậy, mức lãi vẫn chấp nhận được – khoảng 30 triệu đồng. Đợi qua hết hẳn mùa bão lũ, vợ chồng tôi sẽ cải tạo lại ao thả nuôi vụ mới”.
Theo nhiều người dân ở mạn Đông Phù Mỹ, Phù Cát, nuôi tôm cực hơn rất nhiều, người thì dầm nước liên tục, tôm lại dễ mắc bệnh, môi trường thay đổi một chút là tôm cũng bị ảnh hưởng. Cá chua dễ nuôi hơn, ít bị bệnh, ít tốn công hơn, chỉ cần cung cấp nhiều oxy cá không bị ngộp là ổn. Cá chua được nhiều thương lái ưa chuộng và vào tận nơi để thu mua.
Bà Hiền đang cho cá ăn.
Tại Bình Định, cá chua được nuôi nhiều ở 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, nhất là các vùng quanh khu vực đầm Đề Gi. Một số vùng khác ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng có nuôi cá chua nhưng phẩm cấp cá không bằng Bình Định, nên hễ nhắc tới cá chua là gần như thương lái sẽ nhắc đến cá chua Bình Định. Ông Lại Văn Võ cho biết thêm, hiện nay ở thôn Trung Xuân, nhiều hộ nuôi tôm đã dần chuyển sang nuôi cá chua hoặc nuôi cá chua xen với tôm vì nhận thấy việc chuyển đổi này mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ còn mướn thêm ao, đìa để nuôi cá chua. Nghề nuôi cá chua đã có từ lâu ở nơi này nhưng từ khi con tôm bấp bênh nhiều người chuyển sang nuôi cá chua.