Biofloc – giải pháp hữu hiệu vượt “bão EMS”

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi tôm đã và đang bị đe dọa bởi dịch bệnh EMS (Hội chứng tôm chết sớm hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPNS). Trước thách thức này, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long đã tìm hiểu và áp dụng thành công mô hình qui trình ương tôm biofloc.

Sau nhiều lần áp dụng lặp lại kết quả, đã khẳng định mô hình này mang lại hiệu quả cao trong vấn đề khắc phục hiện tượng tôm chết sớm ở giai đoạn 30 ngày thả nuôi.

Mô hình được thực hiện tại khu nuôi thực nghiệm (địa chỉ: ấp 3, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Quy trình nuôi tôm được chia ra làm hai giai đoạn rõ rệt, giai đoạn 1 ương theo qui trình biofloc, giai đoạn 2 nuôi ngoài ao đất.

 

Giai đoạn 1. Thời gian ương 25 – 30 ngày

Bể ương được làm bằng sắt ø = 6 mm tạo thành khung hình trụ, bên trong được lót bạt HDPE. Phía đáy bể tạo hình nón để thuận lợi cho việc gom chất thải và xiphông chất cặn bã khi cần thiết. Mỗi bể có thể tích chứa 10 – 12 m3 nước (chiều cao 1 – 1,2 m; bán kính 2 m). Các bể ương được che chắn bởi mái lá nhằm giảm chiếu sáng trực tiếp từ mặt trời

Mỗi bể được bố trí 2 – 4 vỉ tạo ôxy, cần lắp đặt hệ thống cảnh báo khi bị cúp điện; đồng thời phải có máy tạo ôxy dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cho tôm trong suốt quá trình ương.

Nước được bơm vào bể sau 2 – 3 ngày xử lý bằng Chlorine 30 ppm, sau khoảng 5 ngày bắt đầu chạy máy sục khí cho đến khi hết dư lượng Chlorine, khi đó bổ sung Dolomite 10 ppm, sau 2 ngày bón mật rỉ đường 50 g/m3. Đến ngày thứ ba bổ sung vi sinh dạng nước Nutribio. Sau khoảng 5 ngày thấy bắt đầu xuất hiện biofloc với mật độ thưa, đây là thời điểm có thể đưa giống vào ương.

Nguồn tôm giống được chọn là loại tôm giống SPF, tuổi tôm post thả ương pl10 – 12, mật độ ương 5.000 – 9.000 post/m3.

Quản lý cho ăn: Cho ăn dựa trên nguyên tắc cho ăn làm nhiều cữ, mỗi cữ số lượng ít. Ngày đầu tiên cho ăn 200 g/100.000 post, chia làm 6 – 8 cữ/ngày, sau đó giảm còn 4 cữ/ngày, lượng thức ăn tăng thêm 20 g/ngày. Tuy nhiên lượng thức ăn cần phải được điều chỉnh dựa vào mật độ biofloc trong nước; nếu biofloc nhiều có thể giảm lượng thức ăn, vì biofloc là nguồn thức ăn tự nhiên tôm có thể ăn được.

Quản lý môi trường nước: Cần thường xuyên kiểm tra môi trường hằng ngày, nhằm kiểm soát các chỉ số môi trường trong khoảng thích hợp pH = 7,8 – 8,5; độ kiềm 100 – 150 ppm, hàm lượng ôxy hòa tan > 5 ppm

Định kỳ 3 ngày/lần bổ sung vi sinh Nutribio với hàm lượng 10 ppm; đồng thời bổ sung muối khoáng, vitamin tổng hợp giúp tôm lột xác tốt và mau cứng vỏ.

Sau 7 – 10 ngày ương, bắt đầu xuất hiện hàm lượng NH3 trong nước và chất cặn bã dưới đáy bể nhiều, ta có thể xiphông để loại bỏ bớt chất thải và cấp thêm nước vào bể.

Một điểm cần đặc biệt quan tâm là phải kiểm soát mật độ biofloc trong nước, mật độ biofloc nên được điều chỉnh trong khoảng 3 – 15‰ (đo bằng ống inhoff). Khi mật độ biofloc lên quá cao thì nên thay nước và giảm lượng đường mật bón vào.

Sau 25 ngày ương tôm sẽ đạt cỡ 3.800 – 5.000 con/kg  (0,2 – 0,26 g/con) tuỳ theo mật độ ương cao hay thấp. Lúc này ta có thể chuyển tôm từ bể ương ra ao đất. Tôm trước khi đưa ra ngoài ao đất phải cho nhịn ăn 1 – 2 cữ của ngày hôm trước, đồng thời bổ sung khoáng tạt vào trong nước và tiến hành sang ao vào lúc sáng sớm (6 – 8 h).

Khách hàng của Công ty Thăng Long tại Tiền Giang tới thăm mô hình

Giai đoạn 2. Thời gian nuôi 30 – 40 ngày

Ao được sên vét và bơm chất thải từ vụ trước ra ngoài, phơi đáy ao 7 – 10 ngày dưới ánh sáng mặt trời, bón vôi và cấp nước qua túi lọc. Nước cần được xử lý bằng Chlorine 25 – 30 kg/1.000 m3, diệt tạp bằng Saponine 15 kg/1.000m3, bật quạt khí liên tục 2 – 3 ngày cho Chlorine bay hơi và tiến hành gây màu. Trước khi đưa tôm vào ao nuôi cần phải kiểm tra các chỉ số môi trường giữa bể ương và ngoài ao đất, phải đảm bảo chênh lệch của pH không quá 0,5; độ mặn không quá 3 ppt.

Mật độ nuôi ở ao đất 100 – 110 con/m2, tôm trước khi đưa ra ao đất cần phải tính tổng số lượng và khối lượng tôm thu sau khi ương để xác định lượng thức ăn cho tôm ăn sau này. Cho ăn 5 – 8 kg thức ăn/10 vạn tôm ở ngày đầu tiên sau đó tăng 0,5 – 1,5 kg/ngày, tùy theo điều kiện cụ thể. Sau 10 ngày nuôi, tôm bắt đầu vô sàng ăn thì khi đó dựa vào sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi và kiểm soát các yếu số môi trường nước trong khoảng thích hợp pH = 7,5 – 8,5, độ kiềm 80 – 120 ppm, hàm lượng NH3 < 0,5 ppm.

 

Đánh giá kết quả mô hình

Đặc điểm nổi bật của mô hình này là ở giai đoạn 1, tôm được ương nuôi trong bể ương dựa trên nguyên lý phát triển dòng vi sinh có lợi để ức chế dòng vi khuẩn có hại (tạo khả năng chống vi khuẩn gây bệnh). Tôm sau 1 tháng ương có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tôm nuôi ngoài ao đất bình thường; song bằng trực giác quan sát ta thấy gan và đường ruột của tôm rất tốt (có màu đậm nét và không đứt quãng), khả năng bơi lội rất linh hoạt. Tỷ lệ sống ở giai đoạn này từ  82 đến 94%.

Sau khi đưa tôm ương trong bể ra ao đất, tôm phát triển nhanh hơn hẳn so với tốc độ phát triển của tôm nuôi trong ao đất ngay từ ban đầu (ở cùng trọng lượng). Mặc dù khi mới đưa ra tôm chỉ đạt kích cỡ 3.800 – 5.000 con/kg nhưng sau khoảng 35 ngày nuôi ngoài ao đất, tôm đạt cỡ 105 – 120 con/kg, như vậy so với tôm thả nuôi truyền thống không có sự sai khác nhiều. Tỷ lệ sống 85 – 95%, năng suất trung bình khi thu hoạch tôm thương phẩm đạt 7 – 9 tấn/ha.

Khi mới ban đầu nghe về công nghệ biofloc, nhiều người tỏ ra rất mơ hồ và nghĩ đây là một mô  hình nuôi không thể áp dụng tới người nông dân bình thường. Nhưng qua thực tế tham quan và được sự hướng dẫn tận tình từ đội ngũ nhân viên Công ty Thăng Long, khách hàng đã tỏ ra an tâm và nhiều hộ nuôi đã bắt đầu thực hiện mô hình nuôi kiểu mới này trong vụ nuôi năm 2014 này.

Rất nhiều khu nuôi, khách hàng trong cả nước (Nghệ An, Tiền Giang, Trà Vinh…) đã liên hệ với Công ty Thăng Long để tìm hiểu và nhờ được chuyển giao kỹ thuật về ương nuôi tôm theo qui trình biofloc.

>> Để áp dụng thành công mô hình ương biofloc, người nuôi cần phải kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng khâu trong giai đoạn ương, chỉ một chút sơ sảy cũng có thể phải trả giá đắt (như bị cúp điện, hư hỏng đường dây dẫn ôxy…).

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!