Bổ sung đậu Hà Lan vàng trong khẩu phần của TTCT

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là một trong những thực phẩm phổ biến, nhưng với nguồn cung dồi dào, đậu Hà Lan vàng là thành phần thức ăn giá trị trong chăn nuôi gia cầm và gia súc tại một số nước phương Tây. Gần đây, loại đậu này bắt đầu được chú ý trong dinh dưỡng thủy sản.

Ngoài vai trò nguồn thực phẩm, đậu Hà Lan (Pisum sativum) còn được sử dụng như một nguồn protein và năng lượng trong thức ăn gia súc và gia cầm. Trong đó, đậu Hà Lan vàng thường được dùng làm thức ăn nuôi heo giai đoạn tăng trưởng và vỗ béo tại Canada và nhiều nước châu Âu do nguồn cung sẵn có, ngon miệng và dễ chế biến thành thức ăn viên.

Đến nay, có rất ít nghiên cứu về sử dụng đậu Hà Lan trong thức ăn thủy sản, đặc biệt là khẩu phần của tôm. Trước thực tế này, Pulse Canada, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Winnipeg, Manitoba đại diện cho những người trồng trọt và xuất khẩu đậu hạt của Canada, đã tiến hành một thử nghiệm ở châu Á để đánh giá công dụng của đậu Hà Lan vàng thay thế một phần khô đậu (SBM) trong khẩu phần của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopennaeus vannamei). Thử nghiệm này được thực hiện tại Trung tâm Công nghệ Thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản (APOTEC), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II ở Việt Nam từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

Phương pháp

Xây dựng 4 chế độ ăn iso-nitrogenous (protein thô CP=36%) và iso-caloric (DE=14,21MJ/kg) đáp ứng tất cả các yêu cầu dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn NRC (2011). Chế độ ăn đối chứng chứa bột cá Peru, khô đậu Argentina (46% protein), bột mì, bột phụ phẩm gia cầm, protein đơn bào, gluten lúa mì, tinh bột ngô, cá, gan mực và dầu đậu nành, dịch cá, lecithin đậu nành và các chất phụ gia điển hình khác trong chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng.

Các chế độ ăn thử nghiệm chứa 5, 10, hoặc 15% đậu Hà Lan (CP=20%) thay thế khô đậu. Ở khẩu phần đối chứng, tỷ lệ khô đậu chiếm 25% trong khi tỷ lệ bột cá ở tất cả các nghiệm thức được duy trì cố định 15%.
Thử nghiệm tiến hành trên 3.000 tôm thẻ chân trắng giống, trọng lượng ban đầu 1 – 2 g do một trại sản xuất giống thương mại ở miền Nam cung cấp. Số tôm này được đưa về nuôi trong các bể sợi thủy tinh 1.000 lít (độ mặn 15 ppt) trước khi tiến hành cho ăn thử nghiệm trong bể 120 lít với 4 cữ/ngày. Trong suốt 8 tuần đầu thử nghiệm, đánh giá các thông số hiệu suất chăn nuôi gồm tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, đặc điểm cảm quan, hình thái mô học và thành phần cơ thể của tôm. Hiệu suất tăng trưởng của tôm và hiệu quả sử dụng thức ăn được đánh giá ở giai đoạn giữa thử nghiệm (28 ngày) và sau đó đánh giá lại vào cuối thử nghiệm (56 ngày).

Kết quả

Vào cuối thử nghiệm, nhóm tôm ăn bổ sung 5% đậu Hà Lan vàng không có bất kỳ dấu hiệu bất lợi nào liên quan đến tăng trưởng hoặc tỷ lệ chuyển đổi thức ăn. Tuy nhiên, ở nhóm tôm được ăn 15% đậu Hà Lan vàng, các thông số này đã có sự chuyển biến rõ rệt hơn. Ở nhóm 10% đậu Hà Lan vàng, tốc độ tăng trưởng của tôm không bị giảm đi và tỷ lệ biến đổi thức ăn cũng không bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng các giá trị thu được thấp hơn một chút so với nhóm tôm đối chứng và nhóm 5% đậu Hà Lan vàng. Điều này cho thấy, ở nhóm tôm ăn bổ sung 10% đậu Hà Lan vàng, các thông số tăng trưởng đã bị ảnh hưởng bất lợi từ tuần thứ 8. Đáng chú ý, lượng ăn và tỷ lệ sống của tôm ở cả 4 nghiệm thức như nhau.

Nhìn chung, đậu Hà Lan vàng không ảnh hưởng đến thành phần cơ thể của tôm (độ ẩm, protein, axit amin, lipid, tro, canxi, phốt pho) và chỉ có hiệu quả tích lũy nitơ giảm nhẹ ở mức bổ sung 15% đậu vàng so với chế độ đối chứng. Đậu vàng cũng không ảnh hưởng đến cảm quan của các khẩu phần ăn về màu sắc, mùi vị, hoặc kết cấu. Thông số hình thái duy nhất bị ảnh hưởng bởi đậu vàng là chiều cao của lông nhung bị giảm nhẹ ở tỷ lệ bổ sung đậu vàng cao nhất (15%).

Những kết quả này chỉ ra rằng, đậu Hà Lan vàng có thể thay thế khô đậu trong thức ăn của tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ lên đến 10% mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, tỷ lệ sống, hoặc hiệu quả sử dụng thức ăn. Ở tỷ lệ bổ sung 15%, đậu vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể tôm thẻ chân trắng . Nêu tăng tỷ lệ đậu vàng trong thức ăn của tôm cũng không ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của tôm sau khi nấu chín. Đánh giá hình thái mô học cho thấy, tôm ăn 10% đậu vàng không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến hình thái học đường ruột hoặc gan tụy. Tôm ăn bổ sung 15% đậu vàng chỉ ảnh hưởng nhẹ đến chiều cao lông nhung nhưng không có tác dụng phụ nào khác đến niêm mạc ruột hoặc gan tụy.

Tỷ lệ bổ sung đậu Hà Lan vàng được đánh giá là an toàn trong khẩu phần ăn của tôm thẻ dao động trong khoảng 5 – 15%, trong điều kiện giá bán loại đậu này không biến động bất thường và ảnh hưởng đến chi phí thức ăn. Cũng như các thành phần thức ăn khác, giá đậu Hà Lan bị chi phối bởi cung và cầu. Mục đích sử dụng của loại đậu này khá đa dạng như từ thực phẩm trực tiếp như rau xanh đến thực phẩm chế biến như bánh kẹo, tinh bột, chất cô đặc và sau cùng là thức ăn chăn nuôi. Duy trì nguồn cung dồi dào ở những nước sản xuất đậu Hà Lan là điều kiện quyết định khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản đối với các nguồn nguyên liệu protein và năng lượng thay thế.

>> Mỗi kg protein đậu Hà Lan rất giàu lysine nên có khả năng thay thay thế các sản phẩm khô dầu hạt cải canola trong thức ăn cho heo và gia cầm tại Canada và châu Âu. Khô dầu hạt cải có hàm lượng lysine tương đối thấp và axit amin sulfur cao. Trong khi đó, đậu Hà Lan chứa rất ít axit amin sulfur.

 

Dũng Nguyên
(Theo WWR and Associates, Ltd.)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!