Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là vấn đề rất lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thủy sản. Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi: Tại điều 3 khoản 2 điều 17 Luật Thủy sản năm 2017 quy định Bộ NN&PTNT tổ chức điều tra, xác định ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai nội dung này và trách nhiệm của Bộ trưởng?

Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành trong cả nước. Ảnh: PV

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản là vấn đề rất lớn. Bộ trưởng cũng rất trăn trở khi nhận được bức ảnh của một đại biểu quốc hội ở một tỉnh ven biển miền Trung với hình ảnh những con cá nhỏ bị bắt bán ở ngoài chợ. Vòng đời của những con cá đó quá ngắn và nếu cứ ăn kiểu tận diệt như vậy thì cá không thể sinh sôi, nảy nở được. Bộ trưởng nhấn mạnh Luật Thủy sản và những quy định thông tư của chúng ta đều có đầy đủ hết. Trong luật cũng quy định rõ từng kích thước mắt lưới đối với từng loại để không bắt tận diệt cá non. Nhưng trong cấu trúc ngành hàng thì không thể tránh khỏi những vấn đề nảy sinh. 

Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có đầy đủ lực lượng kiểm tra. Bộ trưởng cũng lấy dẫn chứng hiện nay có những tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận xây dựng những cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, khi đó bà con sẽ cùng quản lý nhau, cùng phát hiện người vi phạm. Thực tế, chúng ta không có đủ lực lượng phân bố từng con sông con rạch để quản lý. 

Do vậy Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị phải thiết kế lại cách quản lý, quản trị ngành hàng. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương pháp mới trong quản trị cảng cá. Với quy định của Nghị quyết 18, 19 thì cảng cá hiện không còn bao nhiêu người, như vậy rất khó để quản lý hơn 90 ngàn chiếc bởi lẽ mỗi cảng cá có hàng ngàn chiếc tàu. Cách duy nhất là phải cấu trúc lại quản trị của cảng cá, cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, trước tiên là các nhà vựa. Bởi các nhà vựa, đầu nậu, và các doanh nghiệp thu mua đều đang nằm ở ngay cảng cá.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn chiều 15/8. Ảnh: Hoàng Phong

Một trong những yêu cầu của EU là phải có nhật ký hành trình minh bạch rõ ràng, nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan hiện nay các cảng cá đang viết hồi ký chứ không phải nhật ký, tức là tàu cá cập bến rồi ngư dân mới bắt đầu nghiền ngẫm viết lại, mà đó là một trong những điều vi phạm. Như vậy, giữa doanh nghiệp và ban quản lý cảng cá cần có sự phối hợp. Điều quan trọng trong quản trị là tính trách nhiệm, tính cộng đồng cao, minh bạch hơn. Bộ trưởng đã trao đổi với các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp, họ sẵn sàng tham gia bởi trong đó cũng có lợi ích của doanh nghiệp. Một khi nguồn hàng được minh bạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thì doanh nghiệp mới có được nguyên liệu đủ điều kiện xuất khẩu. Còn hiện nay doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng là không đủ dữ liệu để xác định được liệu rằng nguyên liệu đó có đi đúng truy xuất nguồn gốc hay không. 

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Ngoài các câu hỏi về khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, các đại biểu cũng chất vấn về chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông sản, tránh được mùa mất giá; cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người nông dân; nâng cao chất lượng, sản lượng nông, lâm thủy sản xuất khẩu.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!