Nghề nuôi cua truyền thống đã xuất hiện ở huyện Cái Nước (Cà Mau) rất lâu, nhưng nuôi cua trong đầm nuôi tôm công nghiệp thì mới chỉ bắt đầu thời gian gần đây, khi những đầm tôm công nghiệp không còn sử dụng.
Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều hộ nông dân đã tận dụng những đầm tôm công nghiệp bị thất bại cải tạo lại để thả nuôi cua. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hộ ông Trần Chí Lời, ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ là một điển hình.
Ông Lời cho biết, sau 2 vụ nuôi tôm công nghiệp thất bại, không còn vốn để tái sản xuất, nhiều đầm tôm của gia đình bị bỏ trống, thấy vậy ông mới nảy ra ý nghĩ là tận dụng các đầm này cải tạo lại để nuôi cua. Kết quả mang lại thật bất ngờ, với mật độ thả nuôi 3 con/m2, hơn 3 tháng thả nuôi, cua đạt trọng lượng từ 300 gam trở lên, lúc này ông bắt đầu thu hoạch. Để hạn chế tình trạng cua bò sang những ao bên cạnh, ông dùng lưới mành bao ví xung quanh đầm nuôi, chiều cao khoảng 1 m; đồng thời để tiết kiệm chi phí thức ăn trong khi nuôi, ông thường xúc con 2 mảnh thả vào đầm nuôi, làm như vậy cua ăn mau lớn, tránh tình trạng cua cắn nhau do thiếu thức ăn.
“Trước đây, nuôi tôm công nghiệp tôi phải thức suốt để chăm sóc tôm nuôi, nhưng cuối cùng không đạt được hiệu quả, bao nhiêu vốn liếng mất trắng. Tôi cũng định bỏ quê đi làm ăn xa, nhưng đất đai ông bà mình ở đây, bỏ đi đâu được. Thấy vậy, tôi thử thả cua vào nuôi trong đầm tôm công nghiệp, không ngờ trúng đậm mà không phải tốn công chăm sóc nhiều”, ông Lời phấn khởi.
Với vụ cua này, ông thu lãi trên 90 triệu đồng. “Lợi nhuận từ con cua mang lại tuy không cao bằng nuôi tôm công nghiệp, nhưng bù lại nuôi cua chi phí thấp, ít rủi ro. Cua nuôi ít bị bệnh và ít tốn công chăm sóc”, ông Lời chia sẻ.
Anh Dương Chí Đại, cán bộ khuyến ngư xã Hòa Mỹ, cho biết: “Hiện người dân vẫn còn đang loay hoay với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, chưa có cách nào giải quyết, nhiều hộ đành phải bỏ đầm trống vì không có vốn để thả nuôi tiếp, mà nếu có vốn nuôi cũng chưa chắc có thu hoạch. Mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp đã mang lại hiệu quả cao thiết thực, giúp người dân có được nguồn thu nhập, tạo hướng mở cho người dân phát triển kinh tế. Nếu mô hình này được ngành chức năng nghiên cứu và mở rộng sẽ tạo ra một hướng đi mới ổn định cho nông dân”.