T2, 06/07/2020 10:18

Cà Mau: Nguồn lợi thủy, hải sản suy giảm, ngư dân mất mùa

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau Tết Nguyên đán 2013, ngư dân tỉnh Cà Mau lại khấp khởi ra khơi, mở đầu cho một năm bám biển dài ngày. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động đánh bắt thủy, hản sản trong năm 2012 của tỉnh này không khỏi khiến người dân lo ngại. Phần lớn các phương tiện khai thác biển của tỉnh hoạt động kém hiệu quả, cùng với đó là chất lượng thủy, hải sản giảm sút, ngư trường đánh bắt ngày càng quá tải…

Phương tiện nào cũng lỗ

Những ngày sau Tết, tại Trạm Biên phòng Sông Đốc (thuộc Đồn biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau), thuyền đi biển tấp nập ghé vào làm thủ tục kiểm soát. Với nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ, chuyến ra khơi đầu năm bao giờ cũng mang niềm hy vọng vì thời tiết ổn định, biển lặng sóng, ngư trường ít phương tiện khai thác.

Nói về kết quả khai thác của năm 2012, ông Khưu Hồng Tuấn, chủ tàu đánh bắt xa bờ ngụ khu vực 4, thị trấn Sông Đốc lắc đầu: “Bết bát lắm, chưa năm nào như năm vừa qua, chuyến ra khơi nào chúng tôi cũng lỗ, may mắn thì huề vốn. Thuyền tôi chuyên đánh lưới đèn, mỗi chuyến đi hơn 1 tháng, chi phí đầu tư khoảng 250 triệu đồng nhưng chưa lần nào thu về được 300 triệu đồng. Do đánh bắt thua lỗ liên tục nên nhiều người không muốn ra khơi, đành để phương tiện nằm bờ hoặc đưa lên ụ bảo dưỡng”.

 

Ở Cà Mau, chất lượng thủy, hải sản đánh bắt ngày càng bị suy giảm.

Ông Nguyễn Đình Tường, chủ tàu câu mực ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời thống kê: “Mỗi chuyến ra khơi, tàu của tôi chuẩn bị ít nhất 2.000 lít dầu (khoảng 44 triệu đồng), thế nhưng gần 1 tháng trên biển, hải sản thu về chẳng đáng bao nhiêu, lần nhiều nhất bán được 60 triệu đồng, các chuyến khác thì chỉ 30 đến 40 triệu đồng”.

Theo ông Tường, chủ phương tiện “gánh” hết mọi khoản lỗ, những người “đi bạn” (mỗi thuyền có 8-10 người câu mực) thì coi như… lấy công làm lời, thu nhập không tới 3 triệu đồng/chuyến.

So sánh với thời điểm trước năm 2010, ông Tường xuýt xoa: “Ngày ấy mỗi chuyến tôi lãi gần 100 triệu đồng. Anh em đi bạn mỗi người được chia hơn chục triệu đồng!”.

Ông Lê Văn Phương, Trưởng ban an ninh khóm 1, khu vực Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc thở dài: “Phương tiện xa bờ đã vậy, còn đa số ngư dân nghèo khai thác gần bờ thì bữa được bữa không”.

Ngư trường cạn kiệt?

Tỉnh Cà Mau có khoảng 80.000km2 ngư trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, những năm qua nguồn lợi thủy, hải sản của tỉnh đã suy giảm đến mức báo động.

Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 phương tiện đánh bắt, trong đó có 1.543 tàu đánh bắt xa bờ; ngư dân nơi khác (từ Quảng Ngãi trở vào) thường xuyên đưa hơn gấp đôi số phương tiện của địa phương đến cùng khai thác, do đó dẫn đến hiện tượng ngư trường “quá tải”.

 

Do thua lỗ liên tục, ngư dân không muốn ra khơi, nhiều người đưa phương tiện lên bờ bảo dưỡng.

Ở ngoài khơi, không ít chủ phương tiện bất chấp quy định của pháp luật, lén lút khai thác tài nguyên biển theo kiểu tận diệt như sử dụng xung điện, chất nổ, cào bay, cào đôi, sử dụng dàn đáy hoặc cố ý xâm phạm khu vực cấm khai thác.

Ông Võ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “Các hình thức khai thác tận diệt vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là tại những cửa sông, bãi bồi, nơi nguồn lợi hải sản được sinh sôi”.

Theo ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đã phát hiện, xử lý trên 130 trường hợp vi phạm pháp luật trong đánh bắt thủy, hải sản, phạt vi phạm hành chính hơn 650 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác nguồn lợi thủy, hải sản trái phép tồn tại nhiều năm qua ở Cà Mau được xác định là do lực lượng chức năng của tỉnh quá mỏng; công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát còn hạn chế. “Ngư trường rộng như thế, nhưng tỉnh Cà Mau chỉ có 3 tàu kiểm ngư, hiện tại duy nhất 1 tàu hoạt động, 2 tàu còn lại đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong bờ, lực lượng chức năng tuy phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nhưng gặp khó khăn trong vấn đề xử lý vì bà con ngư dân quá nghèo, không có phương tiện sản xuất nào khác”, ông Phạm Thế Tài cho biết thêm.

Nguyên nhân gây cạn kiệt ngư trường đã được dẫn chứng, chỉ rõ. Các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau đã họp bàn, triển khai nhiều biện pháp nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy, hải sản như: Tăng cường lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi nghề cho ngư dân nghèo sống ven biển…thế nhưng những giải pháp này đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả tích cực.

Hồng Bỉnh Hiếu

Quân đội nhân dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!